An Giang tập trung cho vụ thu đông 2022 và đông xuân 2022-2023

20/10/2022 - 07:16

 - Đây là 2 vụ sản xuất rất quan trọng, đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Trong điều kiện mưa bão, lũ lụt, triều cường, dịch bệnh, cần tập trung giải pháp bảo vệ thắng lợi vụ thu đông 2022 và triển khai xuống giống tốt vụ đông xuân 2022-2023, tạo thu nhập ổn định cho nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã.

Bảo vệ sản xuất

Để tổ chức sản xuất tốt vụ thu đông 2022, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang cho biết, đơn vị đang tập trung triển khai và thực hiện tốt Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về ban hành Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Đồng thời, phối hợp các cơ quan thông tin truyền thông của địa phương kịp thời thông báo về tình hình diễn biến, các biện pháp phòng, chống dịch hại để nông dân biết và chủ động thực hiện.

Hiện nay, tỉnh và các địa phương đang tăng cường kiểm tra đê bao, cống bọng, trạm bơm để gia cố, nâng cấp, sửa chữa kịp thời, đảm bảo an toàn sản xuất trước diễn biến mưa lũ, triều cường. Bên cạnh đó, tiếp tục củng cố tổ phản ứng nhanh cấp xã để chỉ đạo điều hành sản xuất, hướng dẫn, vận động nông dân liên kết sản xuất và tiêu thụ với các doanh nghiệp.

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ thu đông 2022, toàn tỉnh xuống giống 154.686ha lúa, ước thu hoạch dứt điểm vào ngày 20/12/2022, năng suất lúa bình quân đạt 6,21 tấn/ha, sản lượng ước đạt 960.232 tấn.

 Trên cơ sở sản xuất vụ thu đông 2022 và diễn biến thời tiết, điều kiện sản xuất, vụ đông xuân 2022-2023, An Giang dự kiến xuống giống 248.945ha, trong đó lúa 228.527ha, màu 16.775ha và vụ mùa 3.643ha. Ước năng suất lúa bình quân vụ đông xuân đạt 7,4 tấn/ha, sản lượng khoảng 1,7 triệu tấn; vụ mùa 4,16 tấn/ha, sản lượng đạt 15.156 tấn.

Căn cứ vào khung lịch thời vụ, điều kiện thời tiết và dịch hại, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ đông xuân 2022-2023 trong toàn tỉnh An Giang bắt đầu từ ngày 1/11 đến 31/12/2022 (nhằm ngày 8/10 đến 9/12 âm lịch). Trong đó, lịch xuống giống né khô hạn và chia sẻ nguồn nước, chia làm 3 đợt.

Đợt 1, xuống giống từ ngày 1 đến 15/11, tập trung ở những tiểu vùng sản xuất 2 vụ tại các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, An Phú, Phú Tân và các tiểu vùng ngưng sản xuất vụ thu đông tại huyện Phú Tân, diện tích khoảng 80.000ha, nhằm phân bố nguồn nước giữa các vùng trong tỉnh, chia sẻ nguồn nước với các tỉnh dưới hạ nguồn và né hạn, mặn cuối vụ. Đợt 2, từ ngày 16/11 đến 15/12, xuống giống vụ đông xuân đại trà đối với vùng sản xuất lúa 3 vụ/năm, diện tích khoảng 120.000ha. Đợt 3, từ ngày 16 đến 31/12/2022, xuống giống tại các tiểu vùng nằm trong kế hoạch xả lũ vụ thu đông 2023 và một số tiểu vùng xuống giống đông xuân 2022-2023 muộn, diện tích khoảng 30.000ha, rải rác tại các huyện: Tri Tôn, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, Tịnh Biên và TX. Tân Châu.

Liên kết tiêu thụ

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa thu đông 2022, lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt. Dự kiến đợt 1, từ ngày 15 đến 26/11, diện tích khoảng 60.000ha; đợt 2, từ ngày 11 đến 25/12, diện tích khoảng 80.000ha.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, tổng diện tích né rầy trong vụ đông xuân 2022-2023 đạt 60,92% diện tích kế hoạch xuống giống. Các diện tích còn lại xuống giống ngoài khung lịch né rầy, Chi cục TT&BVTV An Giang sẽ xây dựng kế hoạch riêng và phối hợp địa phương, cơ quan có liên quan để bảo vệ tốt diện tích này. “Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - ông Hiền khuyến cáo.

Nhằm nâng cao hiệu quả canh tác lúa, ước diện tích áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” của tỉnh trong vụ đông xuân tới đạt 126.106ha (chiếm 54,88% diện tích xuống giống), quy trình “3 giảm, 3 tăng” diện tích 207.194ha (chiếm 90,17%). Theo đăng ký từ 15 doanh nghiệp, vụ đông xuân 2022-2023 có tổng diện tích liên kết tiêu thụ 131.130ha (chiếm 57,48% diện tích xuống giống), trong đó Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết 110.000ha (chiếm 83,75% diện tích liên kết và 48,13% diện tích dự kiến xuống giống cả vụ đông xuân 2022-2023).

Với diện tích còn lại, các địa phương cần tăng cường kết nối thông tin doanh nghiệp, thương lái thu mua lúa. Căn cứ theo lịch xuống giống vụ đông xuân, sản lượng lúa, nếp sẽ tập trung thu hoạch cao điểm vào 2 đợt: Đợt 1, từ ngày 16 đến 30/3/2023, thu hoạch khoảng 520.000 tấn; đợt 2, từ ngày 1 đến 13/4/2023, thu hoạch khoảng 550.000 tấn. Các thời điểm còn lại, từ đầu tháng 2/2023 sẽ có thu hoạch lúa đông xuân liên tục.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch gia cố đê bao, cống, đập và các phương án tiêu thoát nước, đề phòng mưa lớn bất thường, chống úng trong trường hợp mưa bão; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn bảo vệ sản xuất trong điều kiện khô hạn có khả năng đến sớm.

NGÔ CHUẨN