An Giang tập trung nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp

02/07/2021 - 03:42

 - Nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế phát triển trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, An Giang sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới (NTM), chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp.

Những nỗ lực

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, giai đoạn 2016-2020, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ nhiều chương trình, đề án lớn, tập trung vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp; Chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025; chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ lúa sang rau màu và cây ăn trái; phát triển thủy sản bền vững; đề án giống cá tra 3 cấp chất lượng cao; đề án củng cố, nâng chất hợp tác xã, tổ hợp tác, phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ triển khai các dự án lớn…

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành nông nghiệp ổn định (đạt 2,86%). Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 192 triệu đồng/ha (tăng 72 triệu đồng/ha so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng qua từng năm, từ 29 triệu đồng (2015) lên 31,9 triệu đồng (2016), 36,1 triệu đồng (2017), 40 triệu đồng (2018), 45 triệu đồng (2019) và năm 2020 đạt 49 triệu đồng/người.

An Giang từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: cá tra (TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu…); trái cây (huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…); rau màu (huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc…); lúa nếp (huyện Phú Tân, Châu Phú)… gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.

An Giang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại

Thời gian qua, cơ cấu sản xuất nông nghiệp của An Giang chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; các tiêu chuẩn chất lượng, như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP, SRP… được tăng cường áp dụng. Tổng diện tích đã thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái trên 25.000ha, giúp tăng thu nhập cho nông dân từ 2-4 lần. Diện tích trồng lúa giảm từ 644.000ha (năm 2015) còn 625.400ha (năm 2019), cơ cấu giống lúa tiếp tục được chuyển đổi theo hướng tích cực, có khoảng 70% diện tích sử dụng các loại giống chất lượng cao, diện tích lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng” đạt tỷ lệ đạt 89,6%; 47,1% diện tích xuống giống áp dụng “1 phải, 5 giảm”, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận. Diện tích cây lâu năm đến 2020 đạt 19.300ha (so năm 2015 tăng 6.221,4ha); nuôi thủy sản 2020 đạt 3.310ha (tăng 770ha so 2015), có 1.712/2.400ha diện tích mặt nước nuôi cá tra (thương phẩm và giống) được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ (chiếm khoảng 70%)…

Nâng giá trị bền vững

Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), UBND tỉnh đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng NTM, nhằm tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh điều hành sản xuất nông nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, biến đổi khí hậu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Thời gian tới, An Giang sẽ tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp hiện đại, chú trọng vai trò của dự báo và nhu cầu thị trường đầu ra cho sản phầm. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh từ cách mạng công nghiệp 4.0 vào quản lý kinh tế nông nghiệp; tạo điều kiện phát triển dịch vụ logistics, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập, đời sống của dân cư nông thôn và bảo vệ môi trường. Tỉnh đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển các ngành hàng sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm có lợi thế theo chuỗi giá trị gắn với phát triển kinh tế hợp tác.

Bên cạnh tiếp tục hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa lớn và quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ nhu cầu sản xuất, An Giang tiếp tục thực hiện tốt chính sách hỗ trợ và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xem doanh nghiệp là động lực quan trọng để có nền sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm gia tăng chất lượng, giá trị sản phẩm, gia tăng hàm lượng chế biến sản phẩm nông sản, sản phẩm chủ lực để từng bước tạo ra giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với đô thị hóa, xây dựng NTM văn minh, hiện đại…

An Giang tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, sạch, hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm đạt chuẩn, an toàn, đồng thời kết hợp xây dựng thương hiệu sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và phục vụ xuất khẩu.

 

NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích