An Giang tập trung tốt vụ hè thu 2021

12/03/2021 - 06:16

 - Trên cơ sở thắng lợi vụ lúa đông xuân 2020-2021, An Giang quyết tâm giành thắng lợi vụ hè thu và thu đông năm nay, nhằm góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp. Đồng thời, triển khai đồng bộ các loại hình nông nghiệp có tiềm năng khác.

“Trúng mùa, trúng giá”

Đó là nhận định, niềm vui chung của hầu hết nông dân khi vụ đông xuân năm nay, giá lúa tiếp tục tăng như dự báo, nối tiếp đà tăng của năm 2020. Nhiều giống lúa thơm, hạt dài, đặc sản vượt mốc 7.000 đồng/kg (lúa tươi), kể cả lúa IR50404 cũng được thu mua tại ruộng với giá cao, bình quân 6.700-6.800 đồng/kg. Niềm vui nhân đôi khi điều kiện sản xuất thuận lợi, năng suất lúa đạt cao. “Lâu lắm rồi mới có được cảm giác “trúng mùa, được giá” liên tục 4 vụ lúa. Nếu những vụ tới vẫn giữ được đà này, nông dân sẽ có tích lũy khá” - nông dân Phạm Văn Cao (xã Lương An Trà, Tri Tôn) chia sẻ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến ngày 3-3-2021, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch được 13.419ha/230.085ha lúa vụ đông xuân 2020-2021, đạt 5,83% diện tích xuống giống. So cùng kỳ vụ đông xuân 2019-2020, dù tiến độ thu hoạch chậm hơn 66.178ha nhưng năng suất ước đạt 7,14 tấn/ha, tăng hơn 0,4 tấn/ha. Ước năng suất thu hoạch bình quân chung cả vụ đông xuân năm nay đạt khoảng 7,3 tấn/ha, sản lượng gần 1,68 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ.

Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt, tạo được sự yên tâm cho người nuôi. Bên cạnh đó, giá bán heo hơi luôn ổn định ở mức cao, một số doanh nghiệp (DN) mở rộng quy mô đàn nên đàn heo bắt đầu tăng trở lại. Tương tự, gia cầm có thị trường tiêu thụ ổn định nên phát triển khá tốt; riêng chăn nuôi trâu bò tiếp tục suy giảm do hiệu quả kinh tế không cao, môi trường chăn thả tự nhiên bị thu hẹp.

Khuyến khích trồng hoa trên bờ ruộng

Sở NN&PTNT cho biết, vụ hè thu 2021, toàn tỉnh sẽ xuống giống 230.000ha lúa, ước năng suất cả vụ đạt 5,71 tấn/ha, sản lượng đạt hơn 1,31 triệu tấn. Theo kế hoạch đăng ký từ các DN, vụ hè thu 2021 có tổng diện tích liên kết tiêu thụ là 64.825ha, chiếm 28% diện tích dự kiến xuống giống, với sự tham gia liên kết của 15 công ty, DN. Đây là tỷ lệ liên kết cao nhất từ trước đến nay khi trước đây, diện tích liên kết thường dưới 10%. Điều này cho thấy, nhu cầu lương thực xuất khẩu vẫn cao, ngành lúa gạo còn nhiều triển vọng phát triển.

Bảo vệ ăn chắc

So vụ đông xuân thì vụ lúa hè thu gặp điều kiện bất lợi hơn về thời tiết, điều kiện canh tác, đặc biệt là xuống giống rơi vào cao điểm mùa khô nên dễ bị thiếu hụt nước tưới.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chuyên môn của sở, các phòng NN&PTNT cấp huyện (phòng kinh tế, kinh tế - hạ tầng đối với thị xã, thành phố) cần chủ động phối hợp địa phương trong công tác chỉ đạo sản xuất nhằm có kế hoạch, giải pháp kịp thời với những diễn biến ảnh hưởng đến sản xuất. Song song đó, duy trì và có kế hoạch cụ thể nhằm tăng cường hoạt động của các ban chỉ đạo, thường xuyên nắm sát tình hình thực tế, tham mưu cho lãnh đạo ngành, đề ra những kế hoạch, giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Căn cứ dự báo thời tiết kết hợp với tình hình thực tế ở địa phương, các đơn vị chuyên môn tham mưu lịch xuống giống và các giải pháp cụ thể cho sản xuất lúa vụ hè thu cũng như cả năm 2021. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng đồng bộ các mô hình, giải pháp tổng hợp trong sản xuất lúa, như: phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, chương trình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái...

Trong đó, tập trung nâng chất chương trình “1 phải, 5 giảm”, triển khai các mô hình “1 phải, 5 giảm” kết hợp trồng hoa trên bờ ruộng nhằm xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa lớn, bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tiếp tục triển khai và huấn luyện nhằm mở rộng diện tích áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn tại các huyện, thị xã, thành phố; tiếp tục thực hiện các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, rau hữu cơ...

Đối với chăn nuôi, mục tiêu năm 2021 là thực hiện tốt việc tái đàn heo trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoàn thành mục tiêu tái đàn đạt kế hoạch. Song song đó, phát triển các trại chăn nuôi heo thịt quy mô lớn, có hợp đồng gắn kết tiêu thụ với các DN; thực hiện tốt các phương pháp chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, hạn chế dịch bệnh.

Đồng thời, tiếp tục tìm đầu ra cho sản phẩm, thực hiện mời gọi DN ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chăn nuôi; thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và theo định hướng chung toàn tỉnh.

Năm 2021, An Giang đặt mục tiêu tăng sản xuất lúa chất lượng cao khoảng 20.000ha, thực hiện liên kết tiêu thụ trên diện tích khoảng 149.000ha với 30 DN (vụ đông xuân liên kết 46.775ha, hè thu 64.825ha và thu đông 37.400ha). Trong đó, ưu tiên thực hiện với các DN có thực hiện cung ứng vật tư, giống; có đầu tư hạ tầng phục vụ liên kết như: kho bãi, cơ sở chế biến. Tỉnh phấn đấu thành lập thêm 50 hợp tác xã kiểu mới năm 2021.

 

NGÔ CHUẨN