An Giang tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính

07/09/2023 - 06:52

 - Với việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch, An Giang đã và đang đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng đến môi trường thân thiện, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Theo Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh An Giang, thời gian qua, công tác CCHC được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chủ động triển khai của các cơ quan, đơn vị và sự tích cực của thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, cụ thể hóa các kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2030 và kế hoạch triển khai năm 2023, bám sát các nhiệm vụ, mục tiêu theo Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ. Các địa phương đã cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của tỉnh phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, đảm bảo công tác CCHC của năm 2023 hoàn thành theo kế hoạch.

6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh An Giang đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC)  trực tuyến mức độ 3 (một phần) và mức độ 4 (toàn trình); thực hiện tốt công tác số hóa hồ sơ theo quy định; thực hiện "4 tại chỗ". Kết quả từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ đã xử lý đúng hạn đạt 99,9%, số hồ sơ trễ hạn chỉ chiếm 0,1%.

Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương sơ kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023

Tổ chức bộ máy tiếp tục được kiện toàn, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước theo Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ. Thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình quy định và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp.

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được chuẩn hóa, được cử tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh, các ngành, các cấp đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số theo đề án, chủ trương của UBND tỉnh.

Qua đó, đã kết nối, tích hợp đồng bộ 100% danh mục TTHC cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp 2.059 dịch vụ hành chính công cho tất cả TTHC của tỉnh. Trong đó, tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 (một phần) là 604 dịch vụ, tỷ lệ 29,3%; tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 (toàn trình) là 982 dịch vụ, tỷ lệ 47,7%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 96,6%. Đồng thời, đã tích hợp 1.487 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh với Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết trực tuyến đạt 75,6%.

Điểm nhấn là việc triển khai, vận hành Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) của tỉnh được Trung ương công nhận sáng kiến, giải pháp mới năm 2022, hiện đang vận hành thử nghiệm với 10 lĩnh vực. Đồng thời, có 8/11 huyện, thị xã, thành phố đã ra mắt Trung tâm IOC cấp huyện. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin được tỉnh đầu tư khá đồng bộ, bước đầu hình thành các cơ sở dữ liệu nền và chuyên ngành, phục vụ triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ chính quyền điện tử.

Để hoàn thành nhiệm vụ CCHC năm 2023, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cao kỹ năng số và thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC, sẵn sàng phục vụ và tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân, hướng đến cách làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh.

Tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết 01-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chương trình 553/CTr-UBND về chuyển đổi số tỉnh An Giang từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh tiếp tục triển khai, vận hành hiệu quả Trung tâm IOC; triển khai Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPV6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai, hoàn thành đề án số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị và địa phương còn hiệu lực, giai đoạn 2020 - 2025 và các nhiệm vụ liên quan đến Đề án 06/CP của Chính phủ về phát triển phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tiếp tục quán triệt, triển khai kế hoạch thực hiện các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính các cấp, nâng cao Chỉ số CCHC (Par Index), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra CCHC, kiểm tra công vụ theo kế hoạch năm 2023.

TRỌNG TÍN