An Giang ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số vào kinh tế tập thể

15/05/2023 - 05:58

 - Thời gian qua, An Giang quan tâm, hỗ trợ hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số, phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị hàng hóa trong phát triển kinh tế tập thể.

Ảnh: ĐĂNG LÂN

Đến cuối năm 2022, tỉnh An Giang có 33 HTX có ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, quản lý, kinh doanh nông nghiệp. Tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao; trồng dưa lưới trong nhà màng; sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt; trồng chanh bông tím ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm; kết hợp sử dụng điều khiển quy trình canh tác nông nghiệp qua thiết bị số thông minh (Smartphone, máy tính bảng); nuôi lươn theo tiêu chuẩn VietGAP... tập trung tại các địa phương có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn (huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Thoại Sơn và Tri Tôn).

Đến tháng 4/2023, tỉnh có 88 sản phẩm ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số đạt chứng nhận OCOP, như: Nhãn xuồng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Nông nghiệp Khánh Hòa; khô ếch 1 nắng của HTX Thương mại - Dịch vụ - Chăn nuôi ếch Khánh Hòa (huyện Châu Phú); xoài keo của HTX Nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú); sà rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (TX. Tịnh Biên); nước ép xoài của HTX Sản xuất - Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Chợ Mới (huyện Chợ Mới)…  

Những kết quả đạt được trong ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số của HTX cho thấy vai trò, sức mạnh của lĩnh vực này, góp phần thực hiện hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, thực trạng diễn ra là HTX tăng về số lượng, nhưng chất lượng hoạt động chưa cao. Phần lớn HTX quy mô nhỏ, vốn ít, phát triển không đồng đều giữa các địa phương, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phần lớn người dân, cơ quan quản lý về kinh tế tập thể, nhất là HTX kiểu mới từng bước được nâng cao nhận thức, nhưng vẫn còn tâm lý e ngại tham gia HTX.

 Cùng với đó, số lượng HTX tiếp cận chính sách hỗ trợ chưa nhiều, hoặc nội lực của HTX không đáp ứng được các tiêu chí khi tiếp nhận. Trình độ của cán bộ kỹ thuật, quản lý HTX còn yếu, chưa đồng đều. Chưa có sự liên kết, hợp tác giữa các HTX cùng ngành nghề, cùng địa phương với nhau; nếu có thì chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp và mang tính cục bộ địa phương.

Có thể khẳng định, vai trò của khoa học - công nghệ và chuyển đổi số mang tính đột phá, cốt lõi, quyết định, là động lực phát triển bền vững kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX tại An Giang trong giai đoạn hiện tại và những năm tiếp theo. Cần đặc biệt quan tâm và thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người dân, doanh nghiệp về bản chất, vai trò, cơ chế hoạt động của HTX và sự đóng góp của lĩnh vực kinh tế tập thể vào nền kinh tế quốc gia.

Rà soát, bổ sung, hoàn thiện văn bản pháp luật, chính sách, hỗ trợ, ưu đãi HTX thông qua chương trình, đề án, dự án, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho HTX tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ lạc hậu sang công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất sạch hơn, công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng… trong sản xuất, quản lý, quảng bá, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm.

Cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, chất lượng cao cho HTX. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi HTX hợp tác đa chiều, đa lĩnh vực, đa dạng hoạt động với nhau. HTX cần xác định được các yếu tố (như: Thị trường mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng), từ đó tạo ra giá trị thiết thực bằng việc số hóa quy trình sản xuất, quản lý, kinh doanh an toàn; hướng đến xúc tiến thương mại qua Internet.

Tăng cường rà soát chính sách hỗ trợ HTX tiếp cận ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi công nghệ thông qua chương trình, đề án, dự án; thực hiện một số mô hình hỗ trợ không hoàn lại, hỗ trợ không cần vốn đối ứng của HTX khi ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số tại một số địa phương cho những sản phẩm đặc trưng, cụ thể của địa phương (OCOP - Chương trình mỗi xã một sản phẩm); tổng kết, đánh giá và nhân rộng ra toàn tỉnh.

Muốn ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số - động lực phát triển bền vững kinh tế tập thể, HTX tại tỉnh An Giang trong giai đoạn hiện nay, thiết nghĩ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và cần làm ngay.  

TS ĐÀO THANH HOÀNG