An Phú tập trung giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội

09/10/2024 - 06:20

 - 9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) huyện An Phú tiếp tục tăng trưởng. Công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người có công luôn được quan tâm thực hiện; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới được giữ vững…

Tiếp tục triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL

Tổng diện tích xuống giống vụ đông xuân, hè thu và thu đông là 36.186ha/34.960ha (lúa 32.547ha, màu 3.639ha) đạt 103,5% kế hoạch, tăng 733ha so cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng lương thực trong 9 tháng đầu năm đạt 235.849 tấn (lúa 215.312 tấn, màu quy lúa (bắp) 20.537 tấn). Giá lúa tươi dao động từ 7.000 - 9.200 đồng/kg, tăng từ 700 - 1.000 đồng/kg so cùng kỳ, người dân lợi nhuận từ 25 - 45 triệu đồng/ha.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú, huyện tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân và các hợp tác xã trên địa bàn. Tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài keo sang Hàn Quốc và liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị. Triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 trên địa bàn...

Đã công nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện năm 2023 cho 6 sản phẩm của 4 chủ thể kinh tế đạt “Sản phẩm OCOP” 3 sao, gồm: Mắm xay Út Nhanh (xã Phú Hội); khô bò dẻo, lạp xưởng heo Phú Vinh (thị trấn Đa Phước); khô cá sặc rằn, khô cá lóc (xã Khánh An); đông trùng hạ thảo (xã Quốc Thái).

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện có 110 nhà màng, nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích 6,24ha trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao, 1 nhà trồng nấm linh chi 500m2, 1 nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo 50m2, 2 nhà trồng nấm rơm trong nhà 140m2. Phê duyệt 7 danh mục mô hình sản xuất phục vụ xây dựng nông thôn mới thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024. Huyện còn phối hợp Trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học, công nghệ và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ ở ĐBSCL”, với diện tích thí nghiệm 2ha và 8ha quản lý dư lượng khu vực dự án tại xã Vĩnh Hậu.

Ngoài ra, trồng xoài theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đạt trên 600ha, gồm 61 mã số vùng trồng và có vùng trồng xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 365ha tại 2 xã Phú Hữu và Khánh An... 9 tháng của năm 2024, tổng giá trị sản xuất theo giá cố định 3.599 tỷ đồng, đạt 84,92% so kế hoạch; doanh số bán lẻ và doanh thu dịch vụ ăn uống, lưu trú ước đạt 4.768 tỷ đồng, đạt 76,9% so kế hoạch; tổng thu ngân sách trên 632,4 tỷ đồng, đạt 84,42% kế hoạch năm…

Theo UBND huyện An Phú, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn khó khăn: Thời tiết diễn biến phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, giông lốc, s sạt lở bờ sông, kênh, rạch... ảnh hưởng hoạt động sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân. Tình hình tiêu thụ nông sản chưa ổn định, việc xây dựng các chuỗi liên kết bền vững giữa nông dân, hợp tác xã với các công ty, doanh nghiệp còn hạn chế. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Trật tự mua bán tại các chợ chưa đi vào nền nếp…

Tại cuộc họp đánh giá tình hình KTXH 9 tháng và bàn phương hướng, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2024, lãnh đạo UBMTTQVN huyện, các ngành và UBND huyện đóng góp nhiều giải pháp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ KTXH năm 2024. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Nguyễn Thị Phướng yêu cầu các ngành rà soát các công việc để tập trung thực hiện. Trong đó, đề nghị hoàn chỉnh hồ sơ để công nhận xã Khánh Bình đạt chuẩn “Xã nông thôn mới nâng cao” năm 2024. Đồng thời, kiểm tra tiến độ các xã còn lại để làm cơ sở đăng ký lộ trình xây dựng nông thôn mới với tỉnh. Hiện, đang lập kế hoạch sử dụng đất năm 2025, đề nghị các chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng khu vực huyện đẩy nhanh thủ tục đăng ký để UBND huyện trình UBND tỉnh thông qua HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo tiến độ…

Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú Trần Thanh Sơn đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện tập trung quản lý xây dựng, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư… Phòng Kinh tế - Hạ tầng phối hợp quản lý trật tự vệ sinh, trật tự mua bán tại các chợ, trung tâm thương mại, sắp xếp lòng đường, vỉa hè; lập các đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện. Các ngành và địa phương thực hiện nghiêm công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả trên tuyến biên giới, nhất là vào mùa nước nổi và dịp cuối năm…

Các tháng cuối năm, huyện An Phú tập trung giải pháp đảm bảo sản xuất; tiếp tục triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; kế hoạch phát triển vùng sản xuất và liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Thực hiện tốt các kế hoạch này sẽ giải quyết căn cơ vấn đề đầu ra cho nông sản.

Chủ tịch UBND huyện An Phú Trang Công Cường yêu cầu tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi; chủ động phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn đời sống dân sinh, nhất là mùa mưa lũ. Thường xuyên rà soát quy hoạch xây dựng, kịp thời tháo gỡ khó khăn; kiểm tra trật tự xây dựng và sản xuất - kinh doanh, mua bán.  Tiếp tục kiểm tra công tác nghiệm thu và đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình đầu tư xây dựng sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện. Rà soát, cải tạo cơ sở vật chất chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp... Rà soát hạ tầng giao thông và đẩy mạnh tuyên truyền đảm bảo an toàn giao thông trong cán bộ, viên chức và các tầng lớp Nhân dân.

HỮU HUYNH