An Phú tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp

23/07/2024 - 07:01

 - Huyện An Phú (tỉnh An Giang) tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh gắn với kinh tế hợp tác nhằm nâng cao đời sống người dân.

6 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng lương thực của huyện đạt 115.160 tấn (lúa 107.846 tấn, bắp quy lúa 7.314 tấn). Giá lúa tươi dao động từ 7.300 - 8.500 đồng/kg, tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/kg so cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, người dân phấn khởi vì lợi nhuận từ 40 - 45 triệu đồng/ha, tăng 15 - 20 triệu đồng/ha so cùng kỳ. Diện tích cây ăn trái là 2.061ha, tăng 13ha so cùng kỳ, chiếm 12% diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện. Diện tích thu hoạch được 1.600ha (xoài), giá bán từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, năng suất đạt 18 - 22 tấn/ha, tổng sản lượng đạt 32.000 tấn.

Xuất khẩu lô xoài keo đầu tiên sang Hàn Quốc

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú Phùng Thế Vinh, từ đầu năm đến nay, huyện tăng cường hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa công ty, doanh nghiệp với nông dân và các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn. Trên lúa: Liên kết sản xuất lúa với Công ty ADC (diện tích 27,6ha); liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng Phú Hưng (226ha). Trên rau màu: Liên kết trồng đậu bắp Nhật (20ha) với Công ty Cổ phần Thủy sản Bạc Liêu; liên kết trồng bắp giống lai F1 với Công ty Syngenta (37,45ha); liên kết sản xuất bắp giống với Công  ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (74ha); liên kết sản xuất đậu nành rau với Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) 2ha.

Trên cây ăn trái: HTX Nông nghiệp Long Bình liên kết nông dân thu mua 1.000 tấn xoài và liên kết với Công ty Cát Tường thu mua 20,7ha xoài; duy trì liên kết vùng xoài GlobalGAP với diện tích 315ha… Tổ chức lễ công bố xuất khẩu xoài keo sang Hàn Quốc và liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị.

Đối với chăn nuôi - thủy sản, kiểm soát việc giết mổ, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng và tập trung phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, không để phát sinh và lây lan dịch bệnh. Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện là 335.478 con (tăng 57.875 con so cùng kỳ). Toàn huyện có 47 nhà nuôi chim yến. Sản lượng thủy sản thu hoạch 6 tháng đầu năm là 10.195 tấn (sản lượng nuôi 10.000 tấn, sản lượng khai thác 191 tấn), đạt 46,34% so kế hoạch năm, tăng 120 tấn so cùng kỳ.

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới (NTM), ban hành quyết định công nhận 6 ấp đạt chuẩn “Ấp NTM” năm 2023. Kết quả thực hiện xây dựng xã NTM đối với xã Quốc Thái (đến tháng 6/2024) đạt 15/19 tiêu chí và 48/57 chỉ tiêu. Kết quả thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao đối với xã Khánh Bình (đến tháng 6/2024) đạt 12/19 tiêu chí, 63/75 chỉ tiêu.

Sản xuất lúa hè thu

Hoạt động kinh tế hợp tác, tổ chứcký kết kế hoạch phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh và UBND huyện An Phú về việc hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn huyện An Phú giai đoạn 2024 - 2025. Làm việc với các HTX về đăng ký nhu cầu chính sách hỗ trợ trả lương nhân sự trẻ cho HTX đến năm 2025. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác về hồ sơ, thủ tục thành lập mới và hưởng chính sách theo quy định. Phối hợp với Liên minh HTX tỉnh tổ chức 8 lớp tập huấn tuyên truyền Luật HTX và các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể, HTX ở các xã, thị trấn. Phối hợp Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm việc với các HTX trên địa bàn huyện để thống kê lại tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp...

Huyện ban hành quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) huyện An Phú năm 2023 công nhận 6 sản phẩm của 4 chủ thể kinh tế đạt chứng nhận “Sản phẩm OCOP” 3 sao và trao giấy chứng nhận cho các chủ thể. 6 sản phẩm được công nhận mới, gồm: Mắm xay Út Nhanh (xã Phú Hội); khô bò dẻo, lạp xưởng heo Phú Vinh (thị trấn Đa Phước); khô cá sặc rằn, khô cá lóc (xã Khánh An); đông trùng hạ thảo (xã Quốc Thái). 

Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn huyện áp dụng không phun thuốc trừ sâu rầy trên lúa suốt vụ là 610ha với 369 hộ tham gia. Một số công nghệ hiện ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, như: Sử dụng công nghệ tưới tự động điều khiển qua điện thoại thông minh, ứng dụng thiết bị bay không người lái (drone). Hiện nay, trên địa bàn huyện có 14 thiết bị bay không người lái của hộ dân và kết hợp với các công ty, dịch vụ tư nhân ngoài huyện phục vụ khoảng 30% tổng diện tích... 

Huyện An Phú có 110 nhà màng, nhà lưới giá rẻ với tổng diện tích 6,24ha trồng rau màu ứng dụng công nghệ cao, 1 nhà trồng nấm linh chi 500m2, 1 nhà trồng nấm đông trùng hạ thảo 50m2, 2 nhà trồng nấm rơm trong nhà 140m2.

Hiện, diện tích xoài sản xuất theo tiêu chuẩn của doanh nghiệp đạt trên 600ha, gồm 61 mã số vùng trồng; có vùng trồng xoài keo theo tiêu chuẩn GlobalGAP, với diện tích 365ha tại xã Phú Hữu và Khánh An. UBND huyện phối hợp Trường Đại học Cần Thơ thực hiện dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học - công nghệ và thị trường cho sản xuất lúa gạo hữu cơ ở ĐBSCL, Việt Nam” với diện tích thí nghiệm 2ha và 8ha quản lý dư lượng tại xã Vĩnh Hậu... 

HỮU HUYNH