Bắc Giang kết nối tiêu thụ nông sản

13/11/2021 - 08:49

Hiện nay, cam, bưởi, na và một số nông sản chủ lực khác của tỉnh Bắc Giang bắt đầu vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn. Công tác xúc tiến tiêu thụ nông sản đang được Bắc Giang khẩn trương thực hiện. Tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm.

Thu hoạch cam ở xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn. Ảnh: ĐẶNG GIANG

Tại hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang ngày 11/11, đã có 57 văn bản được ký kết, ghi nhớ về tiêu thụ nông sản giữa UBND tỉnh, sàn thương mại điện tử và các đơn vị thu mua khác.

Nguồn cung dồi dào

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết: Bắc Giang có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp với nhiều loại cây ăn quả phong phú, đa dạng, nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng, đặc biệt là vải thiều. Ngoài ra, còn có tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong tốp năm tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà. Từ nay đến cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán 2022, Bắc Giang có nhiều loại nông sản cung cấp ra thị trường, như: cam các loại khoảng 48.000 tấn, bưởi 37.000 tấn, 4.000 tấn na; 17.000 tấn thịt gà; 60.000 tấn thịt lợn.

Trong đó, nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi được ứng dụng sản xuất an toàn, VietGAP, có truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, tỉnh có vùng trồng rau an toàn hơn 11.000 ha, sản lượng hơn 230.000 tấn, đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các sản phẩm khác, như tại huyện Tân Yên có ổi lê Tân Yên, diện tích 263 ha, sản lượng 6.500 tấn; vú sữa Tân Yên, diện tích 75 ha, sản lượng hơn 300 tấn; măng Lục Trúc diện tích 50 ha… Các sản phẩm này được công nhận đạt OCOP, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, sâm Nam Núi Dành, còn gọi là “sâm tiến Vua”, cát sâm, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Đây là loại sâm quý, rất có tiềm năng phát triển, mở rộng trong thời gian tới.

Với sự đa dạng về nguồn hàng, từ nay đến cuối năm nhu cầu tiêu thụ sẽ rất lớn, đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực gắn kết với các đơn vị thu mua để bảo đảm đầu ra cho nông sản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lo ngại ảnh hưởng đến vấn đề vận chuyển, lưu thông.

Đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ

Giám đốc Đối ngoại và Đầu tư Tập đoàn Central Retail tại miền bắc Phạm Thị Thùy Linh khẳng định: Central Retail luôn sẵn sàng đồng hành cùng tỉnh Bắc Giang trong vấn đề tiêu thụ nông sản. Vụ đông năm 2020, hệ thống siêu thị Big C và GO! đã tiêu thụ hàng nghìn tấn nông sản của Bắc Giang. Tất cả các sản phẩm đều được khách hàng đón nhận và có những phản hồi tích cực. Tại thời điểm này, tập đoàn cũng đang triển khai nhiều hoạt động nhằm kích cầu tiêu thụ cam, bưởi của tỉnh. Đội ngũ thu mua của tập đoàn đã làm việc với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và thống nhất những sản phẩm đưa vào hệ thống siêu thị phải bảo đảm quy trình sản xuất an toàn, chất lượng cao.

Với mục tiêu quảng bá nông sản Bắc Giang, tập đoàn cam kết sẽ dành những vị trí đẹp nhất trong các siêu thị GO!, Big C, Top Market tại miền bắc để trưng bày giới thiệu cam, bưởi với đầy đủ thông tin xuất xứ, chứng nhận VietGAP… Năm nay, hệ thống siêu thị GO! và Big C cũng tổ chức kích cầu tiêu thụ cam, bưởi Bắc Giang trên kênh online và trên nền tảng thương mại điện tử. Giám đốc Thu mua toàn quốc MM Mega Market Việt Nam Phạm Văn Hùng cũng thông tin: Hiện, hệ thống đã ký hợp đồng với các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ nông sản từ nay đến cuối năm 2021. MM Mega Market sẽ chọn các sản phẩm phù hợp để đưa vào phân phối tại hệ thống siêu thị của mình nhằm quảng bá tốt nhất cho nông sản Bắc Giang.

Trưởng ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) Phan Trọng Lê cho biết: Sàn thương mại điện tử Postmart.vn cam kết hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Bắc Giang. Thông qua sàn Postmart.vn, các hộ sản xuất nông nghiệp có thể tiếp cận người tiêu dùng trên cả nước, mở rộng kênh tiêu thụ, bán các sản phẩm nông nghiệp theo cách thức hiện đại và bền vững hơn. Sàn Postmart.vn cũng đã đưa một số lượng lớn hộ sản xuất trên cả nước lên môi trường số, thúc đẩy tiêu thụ hiệu quả các nông sản mùa vụ. Hiện, sàn còn cung cấp cây, giống, phân bón chất lượng, uy tín, là cầu nối nguồn nguyên vật liệu đầu vào tốt nhất đến người sản xuất nông nghiệp.

Có thể thấy, việc đa dạng các kênh tiêu thụ nông sản, nhất là các kênh tiêu thụ hiện đại theo hình thức thương mại điện tử đang là hướng đi sáng tạo và hiệu quả của tỉnh Bắc Giang. Trước đó, vào tháng 6-2021, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang đã tổ chức thành công hội nghị tiêu thụ vải sớm và vải thiều chính vụ bằng hình thức trực tuyến, trở thành “điểm sáng” cả nước về tiêu thụ nông sản trong tâm dịch.

Với kinh nghiệm có được, Bắc Giang đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan định hướng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; triển khai bình ổn thị trường, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu; chú trọng đưa hàng Việt về nông thôn, khu, cụm công nghiệp; đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản; tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa trong thời điểm dịch Covid-19.

Chung tay cùng tỉnh, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: Thời điểm này, tỉnh Bắc Giang tiếp tục được mùa nhiều nông sản, Bộ Công thương xác định thị trường nội địa rất quan trọng. Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ địa phương đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh phân phối hiện đại như sàn thương mại điện tử; gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời tổ chức nhiều hoạt động đẩy mạnh kết nối giao thương, xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm hàng hóa; chủ động kết nối tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu, tăng khả năng tiêu thụ cho các nông sản tỉnh Bắc Giang thời gian tới.

Theo TIẾN ANH (Báo Báo Nhân Dân)