Bảo vệ cây trồng vụ đông xuân

15/12/2023 - 05:21

 - Lĩnh vực trồng trọt có đóng góp lớn vào kết quả thắng lợi của ngành nông nghiệp năm 2023. Dự báo năm 2024, lúa gạo vẫn là ngành hàng “hot”, khi nhu cầu lương thực thế giới tiếp tục tăng; còn rau màu, cây ăn trái mang lại giá trị cao, cần được bảo vệ tốt ngay từ vụ đông xuân 2023 - 2024.

Canh tác lúa giảm phát thải

Vụ đông xuân 2023 - 2024, toàn tỉnh An Giang có kế hoạch xuống giống 228.055ha lúa, dự kiến kết thúc lịch thời vụ ngày 31/12/2023. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang, do năm nay lũ nhỏ, các tiểu vùng xuống giống trước khung lịch thời vụ cần theo dõi, quản lý dịch hại chặt chẽ. Đối với tiểu vùng trũng, nước rút muộn, cần chủ động bơm rút nước ra để xuống giống kịp lịch thời vụ.

Các địa phương được yêu cầu xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024 theo kế hoạch chung của tỉnh và kế hoạch phòng, chống hạn mặn, thiếu nước tưới trong mùa khô phù hợp với điều kiện ở từng địa phương. Trong đó, triển khai thực hiện tốt Quyết định 73/QĐ-TT-VPPN, ngày 25/4/2022 của Cục Trồng trọt về ban hành quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL. Nông dân cần vệ sinh đồng ruộng trước khi xuống giống, đặc biệt là những vùng không sản xuất vụ thu đông, do nước nhỏ nên còn rất nhiều lúa chét, cỏ dại...

Lĩnh vực trồng trọt đóng góp lớn vào tăng trưởng nông nghiệp

Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền lưu ý, cần tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật, như: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM); “3 giảm, 3 tăng”; “1 phải, 5 giảm” (chú ý lượng giống gieo sạ 80kg/ha); tiêu chuẩn SRP, GlobalGAP, IPHM... Trong đó, chú trọng áp dụng tốt giải pháp bón phân cân đối kết hợp tưới nước tiết kiệm, giúp cây lúa khỏe, hạn chế đổ ngã và giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái - trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn 40 ngày đầu sau sạ; hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc “4 đúng”; khuyến cáo nông dân bổ sung vi lượng, phân bón có chứa can-xi, silic… giúp lúa cứng cây, tăng tính chống chịu tự nhiên.

“Ngành nông nghiệp cùng với địa phương thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm, hướng dẫn nông dân xử lý các đối tượng dịch hại và có biện pháp ứng phó kịp thời để bảo vệ năng suất lúa tốt hơn” - ông Hiền thông tin.

Chú trọng rau màu, cây ăn trái

Bên cạnh chủ lực cây lúa, vụ đông xuân 2023 - 2024, tỉnh có kế hoạch xuống giống khoảng 17.257ha rau màu (cây màu 3.611ha, rau dưa các loại 13.646ha). Trong khi đó, diện tích cây ăn trái năm 2024 đạt khoảng 19.700ha (có 13.597ha đang cho trái), gồm: Xoài gần 12.500ha (diện tích cho trái 10.647ha, ước sản lượng 225.645 tấn); chuối, nhãn, mít, sầu riêng và cây có múi 2.950ha, ước sản lượng 40.412 tấn.

Theo Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền, đối với rau màu, ngành tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác an toàn theo quy trình và tiêu chuẩn gắn với yêu cầu của doanh nghiệp; quản lý tốt nguồn giống sạch bệnh. Đồng thời, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất rau an toàn tại địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đối với cây ăn trái, ngành nông nghiệp cùng với các địa phương đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng tại những nơi chưa có mã số vùng trồng; tập huấn cho nhà vườn hiểu thêm về phương thức tiến hành cấp mã số vùng trồng đi các thị trường tiêu thụ, như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc… Cùng với đó, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ngành TT&BVTV phối hợp tập huấn cho nhà vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác cách quản lý sâu bệnh hại trên cây ăn trái, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, vệ sinh vườn, tỉa cành, tạo tán, hướng dẫn ghi chép sổ tay nhật ký canh tác tại các vùng trồng có gắn kết với doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn nông dân dự trữ nước trong các kênh, mương, có biện pháp tích nước tối đa trước khi mùa khô tới và sử dụng hiệu quả phương pháp tưới tiết kiệm.

Ông Hiền lưu ý, trên cây lúa, cây ăn trái và rau màu các loại, cần khuyến khích nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân vô cơ theo tỷ lệ phối trộn thích hợp, nhằm tăng chất lượng nông sản, giảm các dạng bệnh hại trong đất và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, giúp cải tạo lý tính và hóa tính đất, góp phần làm tăng phì nhiêu cho đất.

Ngành NN&PTNT tăng cường kiểm tra, quản lý việc quảng cáo, quảng bá lúa giống, vật tư nông nghiệp; xử lý nghiêm việc khuyến cáo các sản phẩm phân bón sử dụng vào thời kỳ gần thu hoạch, có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của lúa và chất lượng lúa gạo hàng hóa. Đồng thời, tính toán chi phí sử dụng phân bón trên giá thành sản xuất lúa để đề xuất biện pháp giảm chi phí sử dụng phân bón hiệu quả.

HOÀNG XUÂN