Bảo vệ sản xuất mùa mưa lũ

12/08/2022 - 07:51

 - Tình hình mưa lớn kèm giông, lốc, sét không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của người dân, mà còn tác động đến sản xuất nông nghiệp. Sắp tới, khi lũ về kết hợp mưa bão, triều cường, đòi hỏi cần tập trung ứng phó.

Thời tiết phức tạp

Chi cục Thủy lợi An Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 28 vụ mưa, giông lốc, làm 2 người chết do bị sét đánh, 4 người bị thương do giông lốc; 326 căn nhà bị sập và tốc mái; 166ha lúa, hoa màu bị đổ ngã. Mưa giông còn làm tốc mái nhà kho, công trình năng lượng mặt trời, nhà màng, đứt dây điện, gãy đổ trụ điện. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh xảy ra 19 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 893m, ảnh hưởng 13 căn nhà... Ước thiệt hại do thiên tai khoảng 6,55 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự (gọi tắt là Ban Chỉ huy) tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết để đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021, triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Qua đó, có nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm đảm bảo an toàn đê điều, an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa lũ; chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, ứng phó lũ, bão. Tăng cường thông tin, tuyên truyền kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, biện pháp chủ động ứng phó với lũ lớn, lũ lên nhanh… trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã, đến tận người dân vùng sâu, vùng xa để chủ động có phương án ứng phó. Đồng thời, kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy cấp tỉnh, huyện và xã.

Theo dự báo những tháng cuối năm 2022, khu vực tỉnh An Giang ít có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên, cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, bão mạnh dồn dập trong các tháng cuối năm. Tổng lượng mưa từ tháng 7-9/2022 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm (TBNN), tháng 10-12/2022 ở mức cao hơn TBNN. Mùa mưa năm nay có khả năng kết thúc muộn hơn TBNN.

Đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã triển khai kế hoạch hiệp đồng phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh năm 2022; xây dựng kế hoạch diễn tập phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Châu Thành, dự kiến tổ chức diễn tập vào tháng 10/2022.

Chủ động ứng phó

Theo dự báo, đối với khu vực đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ năm 2022 trên sông Hậu tại Châu Đốc và trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng ở mức từ báo động (BĐ) 1 đến BĐ2 (BĐ2 tại Châu Đốc là 3,5m, Tân Châu 4m), thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m nhưng cao hơn đỉnh lũ năm 2021. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ khoảng giữa tháng 10/2022. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, đỉnh lũ năm có khả năng ở mức từ BĐ1-BĐ2 (BĐ2 tại Xuân Tô 3,5m, Tri Tôn 2,4m), thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,1-0,3m.

Thời gian xuất hiện trong nửa cuối tháng 10. Đối với vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất trên sông Vàm Nao có khả năng ở mức xấp xỉ và trên BĐ2 (BĐ2 tại Vàm Nao 2,9m); trên sông Hậu tại Long Xuyên ở mức trên BĐ3 từ 0,1-0,25m (BĐ3 tại Long Xuyên 2,5m). Thời gian xuất hiện khoảng giữa tháng 10.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi An Giang Lương Huy Khanh cho biết, trước diễn biến mưa, bão, lũ phức tạp, tỉnh và các địa phương tăng cường tuyên truyền, cảnh báo thiên tai, biện pháp phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các đối tượng dễ bị tổn thương. Tỉnh tổ chức các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và bảo vệ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống thiên tai cho các xã nông thôn mới, triển khai các lớp phổ cập bơi phòng; chống tai nạn đuối nước trẻ em; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn cấp xã và tổ chức các hoạt động ngoại khóa về phòng, chống thiên tai trong trường học…

Các địa phương cần tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức các lực lượng tham gia phòng, chống, ứng phó thiên tai, đặc biệt là củng cố hoạt động của lực lượng xung kích ở cơ sở để kịp thời chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong tình huống cấp bách, chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xác định các trọng điểm xung yếu đê điều, cống, trạm bơm, hồ chứa… nhất là các tiểu vùng đê bao, vùng ngoài đê bao để duy tu kịp thời, sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra, đảm bảo sản xuất và dân sinh, nhất là ứng phó mùa lũ năm nay có khả năng về sớm.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự tỉnh An Giang thường xuyên cập nhật tin tức trên zalo, trang facebook “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh An Giang”; tổ chức trực ban phòng, chống thiên tai 24/24 giờ trong mùa mưa, lũ, để nắm bắt kịp thời tình hình diễn biến thiên tai; đề xuất chủ trương, biện pháp ứng phó, cập nhật tình hình thiệt hại do thiên tai và báo cáo kịp thời. 

NGÔ CHUẨN