Anh Hoàng Anh không phải người khởi đầu với cây sầu riêng. Ba anh, ông Đỗ Văn Hải, mới là người đầu tiên chuyển hướng từ trồng nhãn sang lập vườn sầu riêng cách đây 5 năm. “Trước kia, gia đình tôi làm lúa là chính, rồi trồng nhãn. Nhưng nhãn bị bệnh chổi rồng, năng suất kém quá, ba tôi đốn hết để chuyển qua sầu riêng. Lúc đầu, ông chỉ trồng thử vài cây” - anh kể lại. Từ hơn chục cây ban đầu, vườn mở rộng dần, đến nay khoảng 80 gốc sầu riêng trên 5 công đất. Sau khi ông Hải qua đời, các con cùng nhau chăm sóc vườn, duy trì 3 giống sầu riêng chính: Thái, Ri6 và Musang King.
Địa hình nơi đây không thuận lợi như các vùng trồng sầu riêng khác. Đất cao, dễ khô, nên phải tưới cách ngày. “Tưới cực lắm. Nhưng may là đất ruộng bồi lên làm vườn, nên rất tốt, rễ cây bám sâu, trái đậu đều” - anh chia sẻ. Ngày trước, khi chưa có đê bao, muốn làm vườn là phải đắp nền cao để tránh lũ. Giờ có đê rồi, nhưng đất vẫn phải đắp cao, phòng khi xả lũ bất ngờ.

Cân sầu riêng sau khi thu hoạch
Vốn chỉ là nơi canh tác, nhưng một lần cô em gái đăng ảnh cây sai trái lên mạng xã hội, vườn bỗng trở thành điểm đến thu hút khách. “Có năm trái nhiều, khách ghé mua nườm nượp. Lúc đó, mấy cây ông Hải trồng sai trái lắm. Người đến chủ yếu là khách trong tỉnh, một số từ các tỉnh lân cận. Ai cũng thích thú được tận mắt thấy trái chín trên cây, được chọn mua tại chỗ, không lo hàng nhúng thuốc hay kém chất lượng. Có người tới rồi giới thiệu bạn bè tới nữa. Khách đi chơi, tiện đường ghé, mua trái đem về biếu. Vui mà! Có mấy người chụp hình gửi lại cho người nhà tôi xem” - anh cười. Vườn không cần bảng hiệu, cũng chẳng có dịch vụ, nhưng sự chân thành, thoải mái lại khiến nhiều người quý mến.
Tôi hỏi: “Làm vậy có thấy phiền không?” Anh lắc đầu: “Không đâu. Vườn có trái thì phải bán. Khách tới là mua, có người đi về còn dặn có trái cho họ hay”. Một mùa, hơn chục cây cho thu nhập khoảng 70 - 80 triệu đồng. Nếu có thương lái tới, bán xô thì nhanh, còn không thì bẻ lẻ, khách tới đâu bán tới đó. Mùa sầu riêng thường bắt đầu từ rằm tháng 3 đến tháng 6 âm lịch. Anh cho biết: “Có khi rộ trong vòng nửa tháng là hết trái. Làm nông mà, mùa nào việc nấy. Vườn có sẵn, mình chăm thôi. Lúc đầu thấy khó, làm vài vụ rồi cũng đâu vô đó”.

Sầu riêng được bẻ tại vườn
Về giá cả, dù hiện nay sầu riêng bán khắp nơi với giá 40.000 - 60.000 đồng/kg, nhưng sầu riêng tại vườn vẫn có người trả 80.000 đồng/kg cho Ri6, Thái và 120.000 đồng/kg cho Musang King. Người ta sợ ở chợ bán sầu riêng qua “xử lý”. Ở vườn, bẻ trên cây xuống bán liền, nhiều người ưa chuộng cũng là dễ hiểu. Chị Dương Kim Nguyệt (thị trấn Núi Sập) thường ghé vườn vào mùa trái chín. “Tôi thích đi vườn, vừa chụp hình, vừa được mua sầu riêng sạch. Thấy chủ vườn bẻ trên cây, mua trực tiếp nên tôi rất tin tưởng, hay mua về cho bạn bè và rủ họ tới chơi khi rảnh” - chị cho biết.
Vườn sầu riêng của anh Hoàng Anh không phải là mô hình du lịch chuyên nghiệp, nhưng lại là một ví dụ nhỏ về sự chuyển mình của nông dân. Giữa vùng đất quen ruộng lúa, giờ có thêm màu xanh của vườn trái, tiếng cười của khách ghé chơi, và cả những câu chuyện chân tình, mộc mạc dưới hiên nhà ngày mưa.
BÍCH GIANG