Bảo vệ sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm

10/10/2024 - 06:48

Trong những tháng cuối năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các địa phương tập trung bảo vệ sản xuất nông nghiệp của nông dân. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ lúa, hoa màu trước dịch hại và ảnh hưởng của thời tiết mùa mưa bão.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Tôn Thất Thịnh, đến tháng 9/2024, tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thuận lợi. Cụ thể, giá lúa vụ đông xuân và hè thu năm nay duy trì ở mức cao từ đầu vụ, bình quân tăng 400 - 700 đồng/kg so cùng kỳ. Bên cạnh, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt kết quả tích cực, với diện tích nếp và các giống lúa có chất lượng, như: Đài Thơm, lúa Nhật, DS1, Nàng Hoa, Jasmines, OM18… tăng hơn cùng kỳ. Sản lượng nếp và lúa chất lượng gần 1,757 triệu tấn, tăng 124.700 tấn; một số loại hoa màu có năng suất tăng hơn cùng kỳ.

Về cây lúa, toàn tỉnh xuống giống gần 459.600ha, đạt 100,04% kế hoạch, tăng 758ha so cùng kỳ. Năng suất bình quân chung cây lúa 6,69 tấn/ha; sản lượng đạt gần 3,076 triệu tấn. Với hoa màu, toàn tỉnh đã thực hiện gieo trồng hơn 35.100ha, đạt 97,46% kế hoạch. Vụ thu đông 2024, toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 163.365ha. Trong đó, lúa 148.976ha, màu 14.389ha; ước năng suất lúa bình quân 6,21 tấn/ha, sản lượng khoảng 924.549 tấn.

Thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình dịch hại

Để hoạt động sản xuất lúa, hoa màu đạt kết quả theo kế hoạch, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác dự báo tình hình dịch hại, hướng dẫn nông dân cách phòng tránh. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phát hành 30 dự báo về tình hình dịch hại, giúp nông dân nắm bắt thông tin, có hướng xử lý tốt phù hợp. Bên cạnh, theo dõi lấy số liệu và tổng hợp báo cáo 17 bẫy đèn tại 11 địa phương trong vụ đông xuân và hè thu. Dự báo trên lúa thu đông, sẽ xuất hiện các đối tượng dịch hại: Chuột, ốc bươu vàng, sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn tiếp tục gây hại lúa ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh.

Những tháng cuối năm 2024, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị trực thuộc, phòng NN&PTNT các huyện, phòng kinh tế các thị xã, thành phố tiếp tục theo dõi sản xuất vụ thu đông năm 2024 và chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025. Phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn thường xuyên vận động nông dân sản xuất vụ đông xuân 2024 - 2025 theo khuyến cáo, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh.

Về biện pháp canh tác, tiếp tục khuyến cáo nông dân thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật: Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, chú trọng áp dụng tốt giải pháp tưới nước tiết kiệm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh thái. Cán bộ chuyên môn cần hướng dẫn nông dân bón phân cân đối giữa đạm, lân, kali, hạn chế bón thừa đạm; khuyến cáo nông dân thay thế một phần phân hóa học bằng các loại phân hữu cơ nhằm cải tạo đất, tăng khả năng đề kháng cho cây lúa trong điều kiện bất lợi của thời tiết.

Để ứng phó với diễn biến mùa mưa bão, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai ứng phó mưa, ngập úng, giông, lốc, lũ, triều cường, sạt lở trên địa bàn tỉnh. Trong đó, thường xuyên theo dõi các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin của các cơ quan chuyên môn để kịp thời đưa ra giải pháp ứng phó, nhanh chóng cảnh báo cho nông dân.

Phối hợp cùng các địa phương trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đê điều, hồ đập, vận hành trạm bơm tiêu kịp thời chống úng bảo vệ diện tích sản xuất vụ thu đông năm 2024. Tổ chức vận hành đóng - mở hệ thống cống hợp lý, quản lý an toàn hồ đập để bảo vệ sản xuất, an toàn tính mạng và tài sản người dân.

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi tình hình sản xuất, liên kết tiêu thụ lúa nếp, rau màu và cây ăn trái vụ thu đông 2024, chuẩn bị cho vụ đông xuân 2024 - 2025. Tích cực phối hợp địa phương thực hiện đề án“Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” theo lộ trình đề ra. Tiếp tục triển khai kế hoạch về việc thiết lập, quản lý, kiểm tra, giám sát cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh...

Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL”,  Sở NN&PTNT cùng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh để thực hiện diện tích tham gia đăng ký trả tín chỉ carbon trong năm 2024 là 49.861ha, với 45 xã thuộc 10 huyện, thị, thành phố tham gia.

THANH TIẾN