Những vườn bưởi trên Ngọa Long sơn
Mùa Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gia đình ông Đào Văn Đua (xã Lê Trì, Tri Tôn) thu hoạch được 7 tấn bưởi trên mảnh vườn ở khu vực Ô Sìn (núi Dài), trọng lượng bình quân từ 1 - 2kg/trái. Sản phẩm vừa tập kết xuống núi đã có thương lái ở Tiền Giang đến thu mua với giá từ 15.000 - 32.000 đồng/kg (tùy loại). Trừ chi phí, mùa trái cây Tết năm nay đem lại lợi nhuận cho gia đình ông Đua trên 110 triệu đồng. “Nhờ nguồn thu nhập khá nên gia đình ăn Tết xôm tụ. Những năm gần đây, nhiều người chuộng chưng bưởi trên bàn thờ gia tiên nên nhu cầu mùa Tết tăng mạnh. Họ quan niệm rằng, trái bưởi to, tròn tượng trưng cho sự suôn sẻ, đủ đầy, gia đình đầm ấm. Bưởi cũng giống như một số loại trái cây có múi khác, để lâu thì trái càng chín, có vị ngọt và thơm ngon hơn. Đây là một trong những yếu tố mà nhiều người chọn bưởi chưng Tết bởi để từ ngày rước ông bà (28 hoặc 30 Tết) đến hạ niêu (mùng 7 Tết), trái vẫn còn ngon”- ông Đua thông tin.
Những vườn cây đang phát triển tốt
Chuẩn bị cho mùa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, gia đình ông Đua cũng như một số nông dân có đất ở Ô Sìn đang tất bật chăm sóc những vườn bưởi đã được 9 - 10 năm tuổi. Dù bị ảnh hưởng bởi những cơn mưa muộn nhưng nhìn chung, tỷ lệ đậu quả vẫn khá tốt. “Khoảng hơn 1 tháng nữa là bưởi ở núi Dài (khu vực thuộc xã Lê Trì) đã có thu hoạch lai rai, kéo dài đến Tết. Hiện nay, giá bưởi da xanh bán lẻ ngoài chợ khoảng 38.000 đồng/kg, còn thu mua tại vườn khoảng 30.000 đồng/kg nên bà con rất phấn khởi. Thường gần đến Tết, giá bưởi sẽ tăng nên kỳ vọng mùa Tết tới đây, thu nhập từ vườn bưởi của gia đình sẽ cao hơn nhiều so với năm trước. Nếu có được nguồn vốn khá, tôi sẽ cải tạo lại khu vườn trên núi Dài, mở rộng trồng thêm bưởi. Cây bưởi trồng khoảng 5 - 6 năm là bắt đầu có thu hoạch” - ông Đua nhấn mạnh.
Không riêng gì nông dân Ô Sìn mà ở Ô Vàng, Ô Tà Sóc và những khu vực khác trên núi Dài, không khí chuẩn bị mùa trái cây đón Tết cũng rất khẩn trương. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện núi Dài có hơn 50 hộ trồng cây ăn trái với trên 10.000 cây các loại, trong đó nhiều nhất là quýt đường, quýt hồng (hơn 5.000 cây), bưởi (hơn 3.000 cây), xoài, mãng cầu ta, bơ...
Đa dạng sản phẩm
Quan niệm mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam, người dân thường chưng các loại trái cây tượng trưng cho ước nguyện: cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài) cộng thêm chùm sung (ý nghĩa sung sướng, sung sức), đồng thời, để thêm một số loại trái cây khác cho đẹp mắt.
Nắm bắt nhu cầu này, nông dân ở khu vực Chi Lăng, Tân Lợi, Tà Lọt… của huyện Tịnh Biên đã mạnh dạn đầu tư những vườn mãng cầu xiêm và mãng cầu ta trồng ven theo triền núi Cấm. Trong khi đó, nông dân các xã Cô Tô, Núi Tô, Ô Lâm, An Tức… của huyện Tri Tôn cũng tiến hành trồng quanh khu vực núi Cô Tô. Tương tự, khu vực núi Dài cũng không ngoại lệ. Trái mãng cầu hầu như có bán quanh năm. Ngoài cân cho thương lái, người dân còn cất trại dọc tuyến Tỉnh lộ 948 (nối Tri Tôn - Tịnh Biên), đầu Tỉnh lộ 941, 943 (thuộc Tri Tôn) để bán lẻ cho khách du lịch.
Đầu tư mảnh vườn rộng 6.000m2 trồng mãng cầu xiêm trên núi Cô Tô, ông Trần Văn Sơn (ấp Tô Thuận, xã Núi Tô) vừa thu hoạch bán trái già, vừa dưỡng lại những trái non để bán Tết. “Mãng cầu chưng Tết không cần quá lớn, trái nhỏ cũng được nhưng phải đẹp, màu xanh đều, nở gai. Người ta chưng Tết thì quan trọng là đẹp, bắt mắt chứ không phải để ăn. Giá mãng cầu chưng Tết đắt gấp 3 - 4 lần bình thường nhưng mọi người vẫn chấp nhận vì mỗi nhà chỉ chưng 1 trái lên mâm ngũ quả. Còn ai thích mua mãng cầu như một loại trái cây dùng trong Tết thì mình cũng đáp ứng luôn. Mùa mãng cầu Tết năm nào cũng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình khá hơn rất nhiều so với ngày thường” - ông Sơn chia sẻ.
Thời điểm này, những vườn quýt đường, quýt hồng, quýt tiều, vườn cam, bưởi da xanh ở những khu vực như: đồi Latina, chùa Phật nhỏ, khu vực Rau Tần, vồ Đầu… của núi Cấm đang đậu trái tốt, sẵn sàng phục vụ mùa Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 sắp tới. Trong đó, những vườn quýt, vườn cam của các ông Trần Hoàng Anh, Nguyễn Văn Lường, vườn quýt hồng, quýt đường và bưởi da xanh của anh Phạm Hoài Phương (xã An Hảo, Tịnh Biên) được xem là có quy mô lớn, năng suất đạt tốt, chất lượng thơm ngon, luôn được thương lái săn đón những năm qua. Cái hay của những nông dân núi Cấm là biết dựa vào lợi thế thổ nhưỡng, thời tiết thuận lợi để trồng cây có múi. Nhờ độ cao của núi Cấm cộng với khí hậu ôn hòa nên cây cũng ít sâu bệnh, hầu như không sử dụng phân bón, thuốc hóa học nên được nhiều người ưa thích.
Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN