Là địa bàn có đông đồng bào DTTS Khmer sinh sống, người dân huyện miền núi Tri Tôn sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, một số ít xây dựng các mô hình dịch vụ quy mô nhỏ. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, đến nay, bộ mặt nông thôn địa phương được đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của hội viên nông dân ngày càng nâng lên.
9 tháng của năm 2024, các cấp Hội Nông dân ở huyện Tri Tôn đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, nông dân. Công tác xây dựng, củng cố tổ chức hội có nhiều đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hướng mạnh về cơ sở… Đặc biệt, hội còn đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân về dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất - kinh doanh. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân.
Trao máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho nông dân trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ nông sản, hàng hóa. Tổ chức cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp cho nông dân. Nổi bật là việc thực hiện dự án “Nâng cao lợi ích từ sản phẩm và tiêu thụ đường thốt nốt cho đồng bào DTTS Khmer tỉnh An Giang”, do Tổ chức phát triển nguồn nhân lực Châu Á (AsiaDRHHA) tài trợ. Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn phối hợp UBND xã Châu Lăng trao máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất cho nông dân từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi. Các loại máy móc được hỗ trợ, gồm: Máy bơm nước, máy cắt cỏ, máy phun thuốc bảo vệ thực vật, máy ép mía… với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân được các cấp hội tăng cường. Theo đó, phối hợp Trung tâm Học tập cộng đồng tổ chức khảo sát nông dân có nhu cầu học nghề chăn nuôi bò sinh sản. Đồng thời, cùng Trường Trung cấp nghề Dân tộc nội trú An Giang mở lớp dạy nghề về điện dân dụng và lớp sửa chữa máy phun xịt thuốc bảo vệ thực vật cho 60 nông dân.
Đặc biệt, Hội Nông dân huyện Tri Tôn còn tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho nông dân. Trong 9 tháng của năm 2024, đã vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân được gần 146 triệu đồng. Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đã giải ngân 140 triệu đồng cho nông dân xã Châu Lăng, thực hiện các dự án “Trồng cây ăn trái theo hướng an toàn”. Hỗ trợ nông dân xã Lê Trì tái giải ngân dự án “Chăm sóc vườn cây ăn trái” với số tiền 240 triệu đồng; hỗ trợ nông dân xã Lương Phi thực hiện dự án “Trồng cây ăn trái theo hướng an toàn sinh học”, với số tiền 200 triệu đồng.
Ngoài ra, các cấp Hội Nông dân ở huyện Tri Tôn còn tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên nông dân. Mặt khác, tăng cường chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất - kinh doanh cho hội viên, nông dân. Hoạt động chuyển giao thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, quy trình cấp, giám sát và quản lý vùng trồng cấp mã số vùng trồng; tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” và công nghệ sinh thái…
Hội Nông dân huyện Tri Tôn đánh giá, công tác hội và phong trào nông dân trong 9 tháng của năm 2024 có nhiều kết quả nổi bật nhờ không ngừng củng cố, nâng chất. Việc tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, nông dân đồng tình hưởng ứng, tham gia phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc truyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi cây trồng còn chậm; tham gia liên kết tiêu thụ nông sản chưa nhiều; công tác vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, do chỉ tiêu vận động quá cao so tình hình thực tế của địa phương.
Những tháng còn lại của năm 2024, Hội Nông dân huyện Tri Tôn tiếp tục đôn đốc, nhắc nhở Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường vận động Quỹ Hỗ trợ nông dân; vận động hội viên nông dân tham gia các loại hình kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo, tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật; thực hiện các điểm trình diễn về phát triển mô hình sản xuất cho hội viên nông dân. Đồng thời, phối hợp Ngân hàng Chính sách Xã hội theo dõi Hội Nông dân các xã, thị trấn trong việc tổ chức lập đề án giải ngân mở rộng sản xuất, ngành nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, làm tốt công tác thu vốn, lãi và xử lý nợ quá hạn…
MINH ĐỨC