Bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh COVID-19

29/06/2021 - 08:27

 - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến giá cả thị trường, An Giang đã triển khai các giải pháp bảo đảm cân đối cung-cầu, bình ổn thị trường; chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường trên địa bàn để hỗ trợ cho việc thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tránh để xảy ra các biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội.

Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng tham gia bình ổn thị trường từ nay đến hết năm 2021 trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền dự trữ hàng hóa khoảng 4.000 tỷ đồng.Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Minh Hùng cho biết, toàn tỉnh có 94 điểm bán hàng bình ổn thị trường, được bố trí rộng khắp trên địa bàn. Trong đó, 7 siêu thị, 58 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 14 cửa hàng Vinmart+, 4 cửa hàng chuyên kinh doanh gạo và 11 cửa hàng bán thịt heo. Hàng hóa đảm bảo đủ cung ứng cho người dân trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.

Hệ thống các siêu thị chuẩn bị lượng hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu mua sắm cho người dân

Với lượng hàng hóa dồi dào, người dân hoàn toàn có thể an tâm mua sắm trong mọi thời điểm, không nên tập trung mua hàng tích trữ, gây sốt giá, làm khan hiếm hàng hóa ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng cam kết đảm bảo đủ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống, như: gạo, mì gói, đường, sữa, sản phẩm đóng hộp, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, khẩu trang, dung dịch rửa tay… với giá cả hợp lý. Đồng thời, triển khai hàng loạt các hoạt động bán hàng trực tuyến (bán hàng online, mua sắm online), giao hàng tận nơi... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng an tâm mua sắm.

Các cơ quan thông tin đại chúng và UBND huyện, thị xã, thành phố, đài truyền thanh thường xuyên tuyên truyền công tác bình ổn thị trường, hàng hóa đảm bảo đủ cung ứng cho người dân trong mọi tình huống. Qua đó, thông tin đầy đủ và kịp thời về thị trường, giá cả, các chương trình bình ổn thị trường, quản lý an toàn thực phẩm của nhà nước, thông tin các điểm bán hàng bình ổn và thực phẩm an toàn cho người dân địa phương biết và mua sắm; đồng thời kiểm soát các thông tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Giám đốc siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn cho biết: “Siêu thị đã chuẩn bị lượng hàng hóa với tổng trị giá 2,73 tỷ đồng, gồm các mặt hàng thiết yếu, như: mì gói, dầu ăn các loại, đường, nước tương, nước mắm, đồ hộp, hạt nêm, bột ngọt, sữa đặc... kể cả chất tẩy rửa, phòng dịch, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa trong mọi tình huống. Đặc biệt, siêu thị Tứ Sơn cam kết giữ giá không tăng, để phục vụ cho toàn vùng biên giới và những tình huống cần thiết và luôn cân đối nguồn hàng có sẵn để dự phòng”.

Siêu thị Co.opmart Long Xuyên đã chuẩn bị dự trữ hàng hóa thiết yếu tham gia bình ổn thị trường 6 tháng cuối năm với tổng sản lượng từ 350-370 tấn, gồm: gạo, đường, mì gói, dầu ăn, rau củ quả, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng, gia vị. Co.opmart sẵn sàng phục vụ người dân với nguồn hàng thích ứng từng kịch bản chống dịch khác nhau, trong đó có phương án liên quan đến các cấp độ giãn cách xã hội. Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Long Xuyên Đỗ Thoại Phong, lượng hàng hóa từ trung tâm phân phối về đơn vị duy trì ổn định, nguồn hàng dồi dào nên giá cả có xu hướng giảm nhẹ. Co.opmart đã tăng lượng dự trữ nhằm đảm bảo cung cấp đều đặn với giá cả bình ổn ra thị trường cho các mặt hàng nhu yếu phẩm, đặc biệt là các mặt hàng chống dịch, như: các loại gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn...

Để ổn định thị trường, Sở Công thương vừa có công văn đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Thông tin kịp thời đến Sở Công thương để phối hợp thực hiện các giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn, đã vào vụ thu hoạch, ưu tiên hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản, dự trữ nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời bình ổn trường hợp xảy ra khan hiếm hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cục bộ.

Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tiếp tục triển khai kế hoạch bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm thông điệp “5K”; đẩy mạnh các chương trình bán hàng qua điện thoại, hình thức trực tuyến và giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU