pH thấp là một trong những vấn đề lớn đối với canh tác lúa ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là trong vụ lúa hè thu. Với khoảng 1,6 triệu ha đất phèn (chiếm 41,1% diện tích đất tự nhiên trong vùng) và tập trung phân bổ ở 3 vùng canh tác lúa lớn, trọng điểm bao gồm Đồng Tháp mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau.
Do ảnh hưởng của đất phèn nên pH đất thường dưới 4,5 một số nơi dưới 4,0 gây cản trở cho sự phát triển của cây lúa ở giai đoạn đầu. Ngoài đặc tính đất, việc canh tác lúa liên tục 3 vụ/năm, không có thời gian cho đất nghỉ nên các axit hữu cơ từ phân huỷ rơm rạ yếm khí cũng làm cho pH đất càng thấp hơn nữa.
Số liệu thống kê từ nghiên cứu của GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (2003) và kết quả từ chương trình canh tác lúa thông minh giai đoạn 2016 – 2022 do Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện cho thấy, năng suất vụ hè thu thấp hơn vụ đông xuân khoảng trên 2 tấn/ha, trong khi đó chi phí đầu tư gần như tương đương nên lợi nhuận trong vụ hè thu rất thấp. Nhận định về chênh lệch năng suất giữa 2 vụ có nhiều nguyên nhân, như: Thời tiết bất lợi, mưa bão, nắng ít giảm hiệu suất quang hợp…, nhưng vấn đề về tác động của phèn, pH thấp đến sinh trưởng, phát triển của cây lúa có thể là nguyên nhân chủ yếu.
Trong điều kiện pH thấp, nhiều độc chất như sắt, nhôm hòa tan làm rễ kém phát triển cũng như làm cho việc hấp thu dinh dưỡng hạn chế. Số liệu nghiên cứu từ các viện trường cho thấy, trong điều kiện pH đất khoảng 4,5 thì hiệu suất sử dụng 3 nguyên tố đa lượng là đạm, lân và kali lần lượt là 30, 23 và 33%. Đây là vấn đề làm cho cây lúa sinh trưởng rất kém giai đoạn đầu, cây yếu và nảy chồi kém, đồng thời đó cũng là nguyên nhân làm tăng chi phí, nhất là phân bón cho cây lúa.
Việc cải thiện pH đầu vụ có thể là “chìa khoá” để giải quyết vấn đề trong canh tác lúa vụ hè thu nói riêng và canh tác lúa ở vùng đất nhiễm phèn nói chung. Từ cơ sở các nghiên cứu trước đó và chương trình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tiếp tục thử nghiệm giải pháp tăng pH đất lúa bằng chế phẩm Bio-Ca, với thành phần tỷ lệ Canxi trên Magie hợp lý kết hợp với vi sinh vật để xử lý 2 vấn đề làm giảm pH đất. Canxi từ lâu được xem là nguyên tố góp phần hoá giải phèn sắt, nhôm trong đất rất có hiệu quả, trong khi đó vi sinh vật thì có tác dụng tốt trong việc tăng cường phân huỷ rơm rạ, giảm axit hữu cơ trong đất lúa.
Sự kết hợp này đã cho kết quả rất tốt trong vụ lúa đông xuân muộn 2022-2023 vừa qua, tại xã Mỹ Phú, Thủ Thừa (tỉnh Long An). Trong điều kiện pH đất dao động khoảng 3,88-4,2 (số liệu do trung tâm dịch vụ nông nghiệp Long An cung cấp), canh tác lúa 3 vụ, khoảng cách nghỉ giữa 2 vụ chỉ khoảng 10 ngày đến 2 tuần thì việc sử dụng chế phẩm Bio-Ca, với liều lượng thử nghiệm 150 và 300kg/ha đã cho kết quả rất tốt.
Tất cả 3 ruộng thử nghiệm pH đều tăng lên trên 5,5 sau khi bón chế phẩm 2 ngày, trong khi pH các ruộng đối chứng không bón dưới 4,5. Các ruộng khảo nghiệm cũng chỉ ra rằng, pH đạt 5,5 thì hiệu suất sử dụng 3 nguyên tố đạm, lân và kali tăng lên khoảng 77, 48 và 77%, tương đương tăng hơn 100-150% so với pH 4,5.
Do đó, kết quả do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Long An thu thập ở các ruộng thử nghiệm cho thấy, khi sử dụng cùng 1 lượng phân bón NPK, các ruộng mô hình có sử dụng chế phẩm Bio-Ca đã giúp tăng năng suất từ 200-600kg/ha, góp phần tăng thêm lợi nhuận 1.020.000 – 3.810.000đ/ha. Không những vậy, cây lúa trong các ruộng thử nghiệm chế phẩm tăng pH cứng cây, ít đỗ ngả và sâu bệnh giảm rõ rệt, từ đó nông dân đã giảm được 2 lần phun thuốc trừ sâu bệnh.
Ruộng thử nghiệm chế phẩm tăng pH Bio-Ca (số 2) tại Thủ Thừ - Long An
GS. TS. Nguyễn Bảo Vệ (thứ 2 từ bên trái) và cán bộ Bình Điền thăm ruộng thử nghiệm
Đây là kết quả bước đầu rất khả quan và hoàn toàn phù hợp các nghiên cứu về đất, kỹ thuật canh tác lúa. Chế phẩm tăng pH Bio-Ca sẽ tiếp tục được thử nghiệm mở rộng trong vụ Hè Thu 2023 ở Đồng Tháp mười, Tứ giác Long Xuyên và Bán đảo Cà Mau trước khi đưa ra thị trường để bà con nông dân sử dụng.
ThS. Hồ Thế Huy, KS. Nguyễn Quốc Huy – Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền