Các địa phương tập trung tiêu nước, chống úng bảo vệ diện tích cây trồng

24/07/2024 - 19:11

Trước ảnh hưởng của bão số 2 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, gây mưa lớn ở miền Bắc, hiện các địa phương đang tập trung tiêu nước, chống úng, bảo vệ diện tích cây trồng.

Chú thích ảnh

Trạm bơm Triều Dương, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên bơm tiêu thoát nước để chống úng, ngập. Ảnh: TTXVN phát

* Tại Hưng Yên: Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đã cùng đoàn công tác của tỉnh đi kiểm tra tình hình ứng phó với bão số 2 tại trạm bơm Nghi Xuyên; bến phà Đông Ninh (huyện Khoái Châu); dự án xây dựng đường giao thông và kè sông Bần - Vũ Xá (thị xã Mỹ Hào); Trạm bơm Triều Dương (huyện Tiên Lữ).

Tại các nơi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục bám sát tình hình thời tiết, tập trung khắc phục ảnh hưởng của bão số 2, chủ động tiêu thoát nước tại khu vực ngập úng, ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra trong mùa mưa bão. Các trạm bơm có chức năng tiêu úng bảo đảm hoạt động của tất cả các tổ máy, huy động 100% nhân lực phục vụ tiêu úng kịp thời; đồng thời các bến phà bảo đảm an toàn cho người và tài sản, tuyệt đối không hoạt động khi nước lũ dâng cao hoặc chưa bảo đảm các điều kiện an toàn.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên đề nghị các công trình, dự án đang thi công cần bảo đảm việc tiêu thoát nước tốt, tránh ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh. Cùng đó, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân các biện pháp phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn cho người và tài sản, thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa, rau màu, cây ăn quả sau mưa úng.

Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn tỉnh lượng mưa đo được từ trên 100mm đến gần 270mm, tùy từng khu vực, đã gây ngập, úng cục bộ một số diện tích lúa, cây rau màu. Quyền Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Nguyễn Thị Thu cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn từ ngày 23 - 24/7, đã gây ngập, úng cục bộ ước khoảng 2.700 ha; trong đó lúa khoảng 1.650 ha, rau màu 300 ha, cây ăn quả 750 ha.

Để khắc phục hậu quả ngập, úng, các địa phương cũng đã huy động phương tiện, máy móc để tiêu úng, chống ngập. Đồng thời, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các xí nghiệp chủ động tháo gạn nước trên các sông nội đồng, phân công lực lượng trực 24/24h tại các trạm bơm, huy động 100% công suất các tổ máy bơm tiêu úng.

Để bảo đảm an toàn cho công trình và các hoạt động trên sông vùng ven sông Hồng, sông Luộc, khi Thủy điện Hòa Bình xả lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở, ngành và địa phương đã tổ chức thông báo ngay đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi thả thủy sản trên sông, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc.

Cùng đó, các địa phương chủ động rà soát, bảo đảm an toàn các công trình đang thi công; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, khai thác tập kết, trung chuyển cát sỏi biết thông tin xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình để chủ động các biện pháp phòng tránh, bảo đảm an toàn về người, tài sản. Chỉ đạo, kiểm tra, rà soát, bảo đảm an toàn đê điều, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố (nếu có).

* Tại Nam Định: Trước tình hình khoảng 35.000 ha lúa, chiếm 50% diện tích phải gieo cấy lại và dặm tỉa do ảnh hưởng của cơn bão số 2, tỉnh Nam Định đang tích cực triển khai nhiều biện pháp để khắc phục thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, đối với những diện tích lúa vẫn bị ngập úng hoặc bị thiệt hại nặng trên 50%, không có khả năng phục hồi người dân phải khẩn trương gieo mạ bổ sung ngay bằng các giống lúa ngắn ngày như: Đài thơm 8, Dự hương, Khang dân 18... Đối với những diện tích lúa bị thiệt hại dưới 50%, còn khả năng hồi phục người dân cần nhanh chóng tổ chức cấy dặm để bảo đảm khung thời vụ.

Trước đợt gieo cấy vụ lúa Mùa 2024, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo chỉ gieo sạ ở những chân ruộng cao, nơi có điều kiện tưới tiêu chủ động, phải kết thúc gieo sạ trước 10/7. Tuy nhiên, nhiều địa phương nông dân vẫn gieo sạ muộn và ở cả những chân ruộng thấp trũng khiến cho nhiều diện tích lúa bị ngập trong nước trên 3 ngày buộc phải gieo cấy lại. Các địa phương có diện tích lúa và hoa màu bị ảnh hưởng nhiều nhất là huyện Hải Hậu với diện tích 8.800 ha, huyện Nghĩa Hưng thiệt hại 6.400 ha, huyện Ý Yên trên 4.800 ha, huyện Vụ Bản trên 4.000 ha.

Chú thích ảnh

Người dân xã Nam Hùng (Nam Trực, Nam Định) chuẩn bị mạ để gieo cấy lại. Ảnh: Công Luật/TTXVN

Để khắc phục hậu quả của thiên tai, không để ruộng bỏ hoang, tỉnh Nam Định đang chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, chỉ đạo việc làm đất, bón phân; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp cung ứng giống lúa đảm bảo đủ số lượng và chất lượng cho người dân để gieo cấy lại, chăm sóc, bảo vệ lúa mùa an toàn, hiệu quả trong khung thời vụ.

Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn vận hành tối đa năng lực của công trình được giao quản lý khai thác để tiêu thoát nước ngập úng cho các diện tích lúa đã gieo cấy, đặc biệt là diện tích lúa mới sạ, mới cấy nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại cho người dân. Đồng thời, có kế hoạch điều tiết nước, đảm bảo mực nước phù hợp cho việc tổ chức cấy lại trên những diện tích lúa bị thiệt hại nặng.

Theo ông Trần Đăng Lạp, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi huyện Vụ Bản, sau nhiều ngày huy động toàn bộ hệ thống máy bơm của công ty kết hợp cùng với máy bơm của người dân, đến nay mực nước trên các cánh đồng đang cạn dần, mực nước đã phù hợp đảm bảo cho người dân có thể gieo cấy lại.

Ông Vũ Khắc Thành ở xã Hợp Hưng, huyện Vụ Bản cho biết, nhà ông có 3.600m2 lúa bị ngập sâu trong nước trên 3 ngày. Hiện nay gốc, thân cây lúa đã nhũn, rễ đen không có khả năng phục hồi. Ông đang liên hệ với một số nơi còn dư mạ nền để mua; đồng thời, gieo những giống mạ ngắn ngày để cấy lại, đảm bảo khung thời vụ.

Mưa bão cũng đã làm hư hỏng mái kè Cổ Vạy Ang Giao Phong thuộc tuyến đê biển huyện Giao Thủy tại vị trí K23+650 mái kè bị lún, sạt, sập, bong bật cấu kiện, với kích thước (15m x 6m) sâu 0,6m; Tại vị trí K24+130 bị vỡ tường đá xây khóa mái kè kích thước (0,5m x 8m)sâu 0,6m, cao trình từ (+0,5) ÷ (+2,5). Ngoài ra, trên tuyến đê tả Đáy, huyện Ý Yên đoạn từ Km169+020 đến Km169+291 mái đê phía sông bị thấm sũng nước gây ra hiện tượng sạt trượt mái đê phía sông.

Sau khi xảy ra sự cố trên các tuyến đê, các địa phương đã tập trung nhân lực, phương tiện máy móc khẩn trương xử lý xong giờ đầu các sự cố, đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo người dân hạn chế di chuyển qua khu vực này.

Theo TTXVN