Các doanh nghiệp An Giang tích cực tham gia bình ổn thị trường Tết

15/01/2021 - 06:15

 - Thị trường trong tỉnh An Giang đã chuyển động nhằm phục vụ mùa mua sắm cuối năm và Tết Nguyên đán. Hàng hóa phong phú, đa dạng, hàng Việt với nhiều mẫu mã đẹp, chất lượng, giá cả hợp lý đang chiếm lĩnh thị trường. Dự báo sức mua tiếp tục tăng mạnh vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, để đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xã hội, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã chuẩn bị, tăng lượng hàng hóa phục vụ Tết và kèm theo nhiều chiến lược thu hút khách hàng...

Hệ thống siêu thị chuẩn bị lượng hàng hóa phong phú, đa dạng đáp ứng nhu cầu mua sắm Tết cho người dân

Từ đầu tháng 12-2020 đến nay, sức mua một số mặt hàng tăng mạnh, như: quần áo, giày dép, đồ dùng dụng cụ trang thiết bị gia đình, gỗ và vật liệu xây dựng... Doanh thu tăng do các DN tăng cường nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn thu hút khách hàng đến tham quan mua sắm. Theo Sở Công thương An Giang, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 12-2020 đạt 13.165,5 tỷ đồng, tăng 3,01% so tháng trước, tăng 11,28% so cùng kỳ. Doanh số bán hàng phục vụ thị trường Tết Dương lịch trên 670 tỷ đồng, đạt 38% so kế hoạch phục vụ Tết 2020-2021 (kế hoạch 1.764 tỷ đồng), tương đương so cùng kỳ năm trước.

Các DN chăn nuôi cho biết, hiện giá heo hơi không tăng nhiều so cùng kỳ năm trước. Qua khảo sát, giá thịt heo bán lẻ hiện nay tại các cửa hàng tăng từ 5.000-10.000đồng/kg so tháng trước, sản lượng bán ra giảm từ 10-15% so tháng trước, do giá thịt heo tăng vọt và tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp nên người dân giảm chi tiêu, người tiêu dùng chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế khác, như: thịt gia súc, gia cầm, thịt bò, thủy, hải sản... khiến sức mua thịt heo trên thị trường không còn tăng cao.

Theo nhiều DN lớn trên địa bàn tỉnh, sức mua của người dân vào thời điểm này tuy có tăng nhưng chưa tăng mạnh. Các DN, tiểu thương đã chủ động tạo nguồn hàng trữ hàng hóa phục vụ Tết dồi dào cung ứng cho thị trường, thực hiện các chương trình khuyến mại, giảm giá, tham gia bình ổn… góp phần chăm lo cho đời sống của các tầng lớp nhân dân.

Giám đốc siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc) Tạ Minh Sơn khẳng định: “Hàng hóa phục vụ thị trường Tết năm nay đảm bảo đầy đủ cung và cầu, không thiếu hàng. Năm nay, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, hưởng ứng chủ trương của tỉnh, siêu thị Tứ Sơn thực hiện chương trình bình ổn cả năm, chứ không riêng thời điểm Tết, để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân vùng biên giới, nhất là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu của người dân.

Để chuẩn bị hàng hóa cung ứng thị trường Tết, từ quý IV-2020, siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng giá hơn 50 tỷ đồng, tăng 17-25% so ngày thường, chọn những dòng sản phẩm thiết yếu. Tín hiệu đáng mừng của thị trường hiện nay là dòng hàng hóa nhập khẩu, giá trị cao sức mua thấp hơn so hàng hóa của Việt Nam sản xuất. Để đảm bảo giá tốt cho người tiêu dùng, siêu thị sẵn sàng ứng tiền trước cho nhà cung cấp sau khi đàm phán xong, có đơn hàng ứng trước đến 80% để giữ lượng và giữ giá cho đến sau Tết Nguyên đán 15 ngày. Siêu thị cam kết dù thời điểm nào cũng không tăng giá”.

Khách hàng mua sắm Tết tại siêu thị

Giám đốc Siêu thị Vinmart An Giang Đinh Ngọc Lộc cho biết: “Để chuẩn bị hàng hóa Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 và trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, VinMart & VinMart+ đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung cấp trước Tết khoảng 4 tháng, để lên số lượng dự phòng hàng hóa đầy đủ cho nhu cầu mua sắm tiêu dùng của khách hàng. Hàng hóa Tết năm nay được VinMart & VinMart+ xây dựng trên 3 tiêu chí cho người tiêu dùng: “Đầy đủ - tươi ngon thượng hạng - tiết kiệm”, tập trung vào nhóm hàng hóa thiết yếu, hàng hóa tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc tự nhiên. Trong đó, nhóm hàng thực phẩm tươi sống được ưu tiên số 1, tiếp đến là các loại giỏ quà tặng, quà biếu độc đáo dịp Tết, đồ lễ cúng gia tiên truyền thống, trái cây, bánh mứt kẹo, các loại đặc sản Tết theo vùng miền… Ngoài ra, VinMart & VinMart+ chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Tuy nhiên, hàng Việt vẫn chiếm trên 90%”.

Siêu thị Co.opmart Long Xuyên, Châu Đốc, Tân Châu, Thoại Sơn đã triển khai kế hoạch chủ động nguồn cung từ rất sớm và tập trung vào những mặt hàng sản xuất trong nước, như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng và đồ uống và tăng cường những sản phẩm, nhãn hàng riêng nhằm phục vụ người tiêu dùng. Riêng mặt hàng thịt heo, các DN tham gia cung ứng thịt heo phục vụ thị trường cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với sản lượng 954 tấn, tăng gần gấp đôi so với sản lượng thực hiện cùng kỳ năm trước.

Đại diện Chi nhánh Công ty Cổ phần CP Chăn nuôi Việt Nam tại Kiên Giang cho biết, công ty dự kiến cung cấp 4.000 con heo cho An Giang 3 ngày sát Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Như vậy, nguồn cung thịt heo tại tỉnh An Giang dồi dào, đảm bảo đủ cho người tiêu dùng trong dịp Tết. Đặc biệt, khi có biến động giá heo hơi do dịch bệnh COVID-19 phát sinh trên địa bàn tỉnh An Giang, Công ty Cổ phần Chăn nuôi Việt Nam chi nhánh Kiên Giang có thể cung ứng tăng thêm 2-3 lần so ngày thường để tham gia bình ổn thị trường, phục vụ tốt nhu cầu người dân trên địa bàn tỉnh An Giang.

Hiện nay, tại siêu thị và cửa hàng luôn đảm bảo hàng hóa trên các quầy kệ, có hàng hóa mới bổ sung liên tục để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân. Đồng thời, xây dựng nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá, quà tặng... xuyên suốt từ cuối tháng 12-2020 đến tháng 2-2021. Các hình thức khuyến mại chủ yếu là các gói kích cầu mua sắm với những hàng hóa thiết yếu với giá cả hợp lý, ưu đãi giảm giá tới 50%; phát triển các dịch vụ giao hàng tận nhà, đa dạng kênh bán hàng: đặt hàng qua điện thoại, ứng dụng điện thoại và website.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU