Cải thiện thu nhập từ rơm rạ

18/04/2023 - 05:53

 - Những năm gần đây, huyện Châu Thành (tỉnh An Giang) tích cực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Trong đó, việc tận dụng rơm rạ để trồng nấm rơm, làm phân bón cho cây trồng hay thức ăn cho gia súc được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cho nhiều nông dân…

Huyện Châu Thành là địa phương có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích gieo trồng lúa hàng năm trên 80.000ha. Trước đây, sau khi thu hoạch lúa, nông dân thường đốt đồng, gây ô nhiễm môi trường. Từ thực tế đó, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thu gom rơm, cũng như nhân rộng các mô hình tận dụng phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để trồng nấm rơm, ủ làm phân bón cho cây trồng, làm thức ăn chăn nuôi.

Kỹ thuật trồng đơn giản, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, lợi nhuận mang lại cao, đó là những ưu điểm nổi trội của mô hình trồng nấm rơm đang được nhiều nông dân áp dụng. Đặc biệt, đối với những địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn như Châu Thành thì mô hình trồng nấm rơm càng phát triển mạnh mẽ.

Tận dụng rơm rạ để ủ với U-rê làm thức ăn cho bò

Ngay sau khi tham gia lớp tập huấn trồng nấm rơm theo hướng công nghệ cao, ông Trần Văn Thanh Tuyền (ấp Tân Thành, xã Vĩnh Thành) mạnh dạn đầu tư 2 trại trồng nấm rơm dạng trụ (40m2/trại). Mỗi năm, ông Tuyền thu hoạch khoảng 6 vụ, bán cho thương lái với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lãi từ 18 - 20 triệu đồng/năm cho mỗi trại trồng nấm.

“Với sự hỗ trợ của khoa học - kỹ thuật, việc trồng nấm rơm khá đơn giản, quy trình xử lý rơm, xử lý vi khuẩn nhà trồng nấm được rút ngắn đáng kể, hiệu quả kinh tế cao hơn gấp đôi so với trồng nấm rơm ngoài trời. Thị trường nấm rơm tiêu thụ rộng, giá cả ổn định nên người trồng rất yên tâm sản xuất” - ông Tuyền chia sẻ.

Không chỉ tận dụng để trồng nấm, nhiều nông dân địa phương còn sử dụng rơm rạ sau thu hoạch lúa hoặc rơm sau khi trồng nấm xong ủ thành phân hữu cơ sinh học, bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho bò. Cách làm này góp phần giảm giá thành sản xuất, hạn chế việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.

Sau khi tham gia các lớp tập huấn, anh Mai Tùng (ngụ ấp Cần Thạnh, xã Cần Đăng) đã tận dụng rơm rạ để ủ với U-rê, làm thức ăn cho bò. “Rơm ủ khoảng 15 ngày thì có thể cho bò ăn. Tuy nhiên, cần lưu ý phải cho bò ăn rơm ủ từ từ hoặc cho ăn cách ngày để thích ứng. Mình cho ăn rơm ủ nên sẽ cho ăn cỏ ít lại, đỡ vất vả hơn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng” - anh Tùng thông tin.

Nông dân Lê Bá Đương (ngụ ấp Vĩnh Hòa A, xã Cần Đăng) thì sử dụng rơm rạ kết hợp phân bò và chế phẩm sinh học Trichoderma để ủ phân hữu cơ. “Kỹ thuật ủ phân hữu cơ vi sinh bằng chế phẩm Trichoderma khá đơn giản, dễ làm. Hầu hết người dân sau khi tham gia lớp tập huấn đều biết tận dụng rơm rạ làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất. Nhờ lượng phân bón hữu cơ ủ từ rơm rạ, gia đình tôi đã giảm đáng kể việc bón phân hóa học, chủ yếu sử dụng phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn trái, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo sức khỏe” - ông Đương nhấn mạnh.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch lúa. Đồng thời, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa trong việc thu gom, vận chuyển rơm rạ; hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học ngay trên đồng ruộng nhằm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình tận dụng rơm rạ sau thu hoạch, như: Trồng nấm rơm, ủ rơm với U-rê làm thức ăn chăn nuôi, ủ phân hữu cơ… để tăng thêm thu nhập cho nông dân.

Chị Phạm Thị Như (cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành) cho biết, rơm rạ không chỉ dùng để trồng nấm rơm mà còn là nguồn phân hữu cơ dồi dào, dùng để giữ ẩm cho đất, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhiều loại cây trồng, như: Rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng và là nguồn thức ăn có thể trữ lâu, dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Rơm sau khi dùng để trồng nấm, có thể dùng làm phân hữu cơ phục vụ trồng rau màu, cây ăn trái, hoa kiểng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

 

TRUNG HIẾU