Cần hình thành liên đoàn hợp tác xã ngành hàng lúa gạo

15/01/2024 - 06:33

 - Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động của hợp tác xã (HTX) ngành hàng lúa gạo vẫn còn hạn chế cần khắc phục. Do đó, sự ra đời của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL hứa hẹn là giải pháp phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả của các HTX chuyên ngành lúa gạo tại vùng đất “Chín Rồng”.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: “Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) hướng đến đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW, giao nhiệm vụ cho Liên minh HTX Việt Nam xây dựng, phê duyệt đề án “Thí điểm về thành lập và hoạt động của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL”. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến của sở, ngành tỉnh An Giang, liên minh HTX tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL về đề án này, làm cơ sở triển khai trong tương lai”.

Tại hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân khẳng định tầm quan trọng của việc thành lập, hoạt động của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL. Đồng thời, tham vấn ý kiến đại biểu về các nội dung: Thẩm quyền phê duyệt đề án, điều lệ, quy chế quản lý, điều hành, nguồn lực trong thành lập và hoạt động bộ máy.

Cùng với đó, nắm bắt thực trạng sản xuất - kinh doanh (SXKD) lúa gạo của HTX, liên hiệp HTX các địa phương; nhu cầu liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, chế biến sâu, tiêu thụ lúa gạo; nhu cầu tham gia liên đoàn của HTX, liên minh HTX, ý kiến về việc thành lập liên đoàn HTX lúa gạo quy mô cấp vùng…

Dự kiến, Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL đặt trụ sở tại tỉnh An Giang, phạm vi thực hiện tại 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Qua đó, phân tích, đánh giá tổng thể, chuyên sâu về thực trạng SXKD lúa gạo tại vùng ĐBSCL, góp phần tạo sức bật cho hoạt động sản xuất lúa gạo, nâng tầm hạt gạo vùng ĐBSCL trên thị trường trong nước và quốc tế.

 Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh Thái Phước Lộc nhận định: “Trong những năm qua, ngành lúa gạo ĐBSCL không ngừng phát triển, từ khâu sản xuất đến thương mại. Sản lượng lúa luôn ổn định ở mức 24 - 25 triệu tấn/năm, chiếm trên 50% sản lượng lúa cả nước, 90% lượng gạo xuất khẩu, đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Do đó, việc xây dựng vùng chuyên canh lúa quy mô lớn có sự liên kết, hợp tác giữa người trồng lúa với HTX, doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp nâng tầm hạt gạo vùng ĐBSCL trên thị trường”.

Ông Thái Phước Lộc cho rằng, tính liên kết, hợp tác giữa HTX lúa gạo khu vực ĐBSCL còn lỏng lẻo, dẫn đến việc chi phí sản xuất đầu vào của nông dân tăng vì phụ thuộc thương lái. Cùng với đó, nông dân và HTX cũng không được cập nhật, chia sẻ thông tin thị trường đầu ra, đầu vào, chủ trương, chính sách, chương trình hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Không có sự liên kết trong phổ biến kiến thức, đào tạo nâng cao tay nghề người lao động, trong quản trị HTX… dẫn đến hoạt động của HTX không như kỳ vọng.

Cùng quan điểm trên, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh An Giang Trần Văn Cứng phân tích: “Thành lập Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL là phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Đây là một tổ chức kinh tế theo ngành dọc, vừa đại diện cho thành viên, vừa có tư cách pháp nhân độc lập, trực tiếp điều phối hoạt động của HTX thành viên. Nhờ vậy, hoàn thiện chuỗi giá trị lúa gạo, liên kết sản xuất, hướng tới sản xuất lớn, đồng bộ tất cả các khâu, truy xuất được nguồn gốc, quy hoạch vùng trồng… nhằm giảm giá thành, nâng chất lượng hạt gạo, nông dân bán được giá cao”.

Cũng theo ông, việc thành lập liên đoàn HTX có thể khắc phục được khó khăn, hạn chế trong SXKD lúa gạo khu vực ĐBSCL hiện tại. Bởi lẽ, đây là “cánh tay nối dài” của hệ thống liên minh HTX, trở thành đơn vị đối tác trực tiếp với doanh nghiệp, liên đoàn các nước trên thế giới, xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Hoạt động của Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL sẽ đóng góp tích cực vào việc xây dựng, tổ chức hệ thống sản xuất vùng nguyên liệu 1 triệu ha lúa chất lượng cao theo đề án của Chính phủ.

“Tôi cho rằng, khi hình thành, Liên đoàn HTX lúa gạo vùng ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong tổ chức quy hoạch sản xuất phù hợp nhu cầu thị trường; hỗ trợ đắc lực cho Liên minh HTX Việt Nam đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến gần nông dân hơn. Bởi lẽ, đây là tổ chức gắn kết, hiểu rõ lĩnh vực hoạt động của ngành mình nhất, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nông dân, để có đề xuất hỗ trợ phù hợp, giúp bà con nâng cao giá trị hạt gạo do chính mình làm ra” - ông Trần Văn Cứng khẳng định.

Liên đoàn HTX là tổ chức HTX cấp 2, cấp 3 hoạt động phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, Hà Lan, Hoa Kỳ… Thành viên là HTX, pháp nhân tự nguyện tham gia. Liên hiệp HTX chỉ là tổ chức chỉ động kinh tế, còn liên đoàn HTX là tổ chức đại diện ngành, lĩnh vực theo chiều dọc, như: Nông nghiệp, công nghiệp, cung ứng và tiêu dùng, ngân hàng, ngành cá, ngành sữa... trực tiếp điều phối hoạt động của HTX thành viên.

THANH TIẾN