“Thuốc đặc trị các bệnh xương khớp: Đau lưng, đau các khớp xương, đau đầu gối, đau các đốt xương bàn chân, bàn tay, bệnh gout (gút), đau dọc các ống xương tay và chân, đau đầu, đau cổ, đau bả vai, vôi hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, đau dây chằng, đau dây thần kinh tọa, đau do gãy xương, đau toàn thân do bị ngã, đánh đập, đau cơ bắp, đau cơ (dùng được cho cả trẻ em và người lớn)” - đó là đoạn giới thiệu 1 loại sản phẩm được gọi là thuốc Xương Khớp Gia Truyền được quảng cáo trên mạng xã hội. Liên hệ qua số điện thoại để được “hỗ trợ tư vấn” sản phẩm, rất nhanh có người kết nối máy. Trong vai người mua, tôi hỏi người tư vấn kỹ về “thuốc xương khớp gia truyền”. “Bị gai cột sống có dùng được thuốc gia truyền này không chị?” - tôi thắc mắc. Không cần suy nghĩ, người tư vấn nhanh nhạy trả lời: “Trị được ạ! Nhưng mà người bị gai cột sống trong độ tuổi bao nhiêu để em biết tư vấn kỹ về liệu trình điều trị cho mình?”.
Sau khi nhận được phản hồi, người bán hàng cho rằng với độ tuổi và giới tính như trình bày, phải kiên trì uống khoảng 10 liệu trình (mỗi liệu trình 25 gói), giá 550.000 đồng/liệu trình. Cũng theo người này, nếu đặt hàng khoảng 2-3 ngày là sẽ nhận được thuốc. Hỏi thăm cách thức mua hàng, người tư vấn cho biết, có thể đặt trực tiếp qua số điện thoại hoặc đặt hàng qua trang mạng xã hội facebook và zalo của cơ sở.
Đồng thời nhấn mạnh, thuốc được bào chế dưới dạng bột tán, chỉ cần pha với nước sẽ hòa tan, rất dễ uống. Hỏi thêm về trường hợp người lớn tuổi hay bị đau nhức có uống được không. “Nếu không bị tiểu đường thì hoàn toàn có thể dùng được!” - người tư vấn qua điện thoại nói rất dứt khoát. Tuy nhiên, người này cũng không quên nhắc tôi, phải dùng kiên trì từ 2-3 liệu trình mới cải thiện sức khỏe.
Người bệnh nên sử dụng thuốc qua thăm khám, chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý mua qua các trang mạng
Ngày nay, chỉ cần vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên mạng internet đã thấy rất nhiều quảng cáo bán các loại thuốc gia truyền, từ thuốc chữa đau dạ dày, thuốc xương khớp đến thuốc trắng răng, đẹp da… Loại thuốc nào cũng quảng cáo, bài thuốc gia truyền của mình được bào chế “từ thảo dược quý hiếm”, “không độc hại với cơ thể”, “không hết bệnh hoàn lại tiền”. Kèm theo đó là địa chỉ cụ thể và số điện thoại tư vấn.
Đối với người bệnh mang quan niệm “có bệnh thì vái tứ phương”, chỉ cụm từ “gia truyền” là đã nhanh chóng chiếm được niềm tin, cộng thêm những phản hồi của “người đã khỏi bệnh” do người bán đăng lên trang bán hàng của mình là đã mua về mà không cần tìm hiểu kỹ đó là thuốc gia truyền thật hay giả.
“Mấy đứa cháu ở nhà hay mở kênh Youtube xem hoạt hình. Trong khoảng 10 phút sẽ có quảng cáo. Mà quảng cáo tôi chú ý nhất là những loại thuốc “gia truyền” chuyên trị xương khớp hay tiểu đường. “Bà con ai đang gặp các vấn đề về xương khớp gọi cho tôi. Tôi cam kết chữa khỏi 100%” hay “Nhà tôi 3 đời chữa sỏi thận, sỏi mật...” là những câu quảng cáo tôi nghe lặp đi lặp lại dường như đã thuộc lòng. Thời gian đầu, tôi rất quan tâm và muốn lấy giấy ghi lại hiệu thuốc, số điện thoại để liên hệ mua. Nhưng các con tôi ngăn cản, bảo rằng mẹ bị bệnh thì đi bác sĩ đông hoặc tây y khám, uống thuốc theo toa hay sự chỉ dẫn của bác sĩ, đừng nghe “thầy thuốc” quảng cáo trên mạng. Nghe cũng đúng nên giờ mỗi khi thấy quảng cáo tương tự là tôi bấm bỏ qua, không quan tâm nhiều như trước nữa” - bà Võ Thị L. (67 tuổi, ngụ thị trấn An Châu, huyện Châu Thành) thật lòng bày tỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng phòng Y tế TP. Long Xuyên Nguyễn Văn Sử cho hay: “Nếu dùng nhiều thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là sử dụng thuốc mà không qua thăm khám, chỉ định của bác sĩ, người có chuyên môn sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí để lại biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, người tiêu dùng không nên tự ý mua thuốc. Nếu mua phải có chỉ định của bác sĩ, đến cơ sở có giấy phép, chứng chỉ hành nghề để được chẩn đoán, kê đơn, điều trị đúng bệnh. Tuyệt đối không nghe theo quảng cáo, truyền miệng hoặc mua thuốc trên mạng để tránh “tiền mất tật mang”, để lại hậu quả khôn lường”.
PHƯƠNG LAN