Chăn nuôi áp dụng kỹ thuật tiến bộ

19/05/2020 - 07:17

Nhờ được hỗ trợ về nguồn vốn và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, các hộ chăn nuôi ở huyện Phú Tân (An Giang) đã áp dụng nhiều mô hình vừa khỏe, vừa tăng lợi nhuận. Từ những nơi được chọn làm điểm để đánh giá, nhân rộng, nông dân quan tâm đến phát triển chăn nuôi có thể học tập thực tế, linh hoạt thực hiện theo điều kiện, quy mô, khả năng kinh tế, như: nuôi lươn, gà, vịt, cá giống…

Nuôi lươn công nghệ cao

Nuôi lươn là một trong những cách làm ăn được nhiều nông dân lựa chọn để tăng thu nhập cho gia đình, có thể làm kinh tế chính hoặc phụ, bởi ưu điểm ít vốn, kỹ thuật dễ thực hiện, thị trường tiêu thụ thuận lợi và không đòi hỏi nhiều diện tích.

Mô hình nuôi lươn không bùn với mật độ dày của anh Lâm Văn Đoàn Xuân (xã Phú Bình) là một điển hình. Sau 9 tháng nuôi, năng suất lươn đạt 36kg/m2, gấp 2,5 lần so mô hình truyền thống (14kg/m2), giảm được giá thành sản xuất. Bên cạnh đó, nuôi lươn thương phẩm mật độ dày sử dụng thức ăn công nghiệp, con giống sinh sản bán nhân tạo, tỷ lệ sống đến 95%, chủ động được nguồn thức ăn, sau khi trừ chi phí lợi nhuận hơn 78 triệu đồng, rất cao so với các vụ anh nuôi trước đó.

Anh Xuân cho biết, sau khi cải tạo 5.000m2 đất đào ao nuôi cá tra thịt và xây thêm chuồng trại nuôi heo, do giá cá bấp bênh, anh tiếp tục chuyển sang mô hình nuôi lươn trong bồn. Thu nhập vì thế tạm ổn, nhưng số lượng lươn vẫn bị hao hụt do dịch bệnh, khó kiểm soát…

Nhờ cán bộ kỹ thuật nông nghiệp tư vấn, anh áp dụng nuôi lươn theo kỹ thuật không bùn và mật độ dày, kinh phí đầu tư thiết bị, con giống khoảng 120 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 60 triệu đồng. Mô hình triển khai trên diện tích 20m2, mật độ thả 200 con/m2 (4.000 con lươn giống), bổ sung bơm ô-xy. Khởi đầu anh Xuân khá lo, nhưng qua theo dõi nhận thấy lươn phát triển và tăng trọng khá tốt, bình quân từ 3-4 con/kg.

Đối chiếu với mô hình nuôi lươn có bùn, anh Xuân phân tích: khâu quản lý vật nuôi, kiểm soát bệnh tốt hơn, bồn nuôi được thay nước giúp nền đáy sạch hơn, quản lý được thức ăn thừa, treo giá thể bằng dây ny-lon không thải ra chất bẩn, đặc biệt năng suất thu hoạch cao gấp 4 lần so cách nuôi thường.

Nuôi vịt siêu nạc trên đệm lót sinh học

Với những hộ có vườn nhỏ, nuôi gà hoặc vịt trên nền đệm lót sinh học là gợi ý thích hợp. Sau thí điểm các hộ nuôi gà ở nhiều xã, mới đây Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân tổ chức hội thảo đánh giá mô hình nuôi vịt siêu nạc trên đệm lót sinh học cũng cho kết quả khả quan. Hộ nuôi áp dụng là anh Huỳnh Văn Tuấn (xã Hiệp Xương) với giống vịt siêu nạc Grimaud, Trạm Khuyến nông hỗ trợ 100% con giống và 30% chi phí thức ăn.

Anh Tuấn cho biết, trước đó chưa từng nuôi vịt, thử nghiệm với 100 con đầu tiên sau 55 ngày cho lợi nhuận hơn 1 triệu đồng nên anh chuẩn bị mở rộng quy mô. Đàn vịt của anh được cán bộ kỹ thuật đến theo dõi, hướng dẫn thường xuyên, kiểm tra sức khỏe, chất lượng bể nước cho vịt tắm, khẩu phần ăn, tiêm phòng bệnh theo lịch…

Mô hình nuôi vịt siêu nạc

Trạm Khuyến nông huyện Phú Tân đánh giá, nuôi vịt siêu nạc trên nền đệm lót lên men giúp nông dân rút ngắn thời gian chăm sóc, tiết kiệm công lao động và giảm ô nhiễm môi trường. Ngoài việc rải vôi, chế phẩm men làm đệm lót, trong quá trình nuôi anh Tuấn còn rải thêm cát hoặc trấu giúp chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ, khu chăn nuôi dùng lưới làm hàng rào xung quanh cách ly với các con vật bên ngoài, có cổng ra vào.

Theo anh Tuấn, giống vịt Grimaud siêu nạc rất dễ nuôi, mau lớn, ít bệnh và khá nặng ký, bình quân trọng lượng 2,8-3kg, giá bán hiện tại 40.000 đồng/kg. Tại buổi hội thảo, anh Tuấn chia sẻ mô hình của mình có thể áp dụng với nhiều nông hộ theo điều kiện khác nhau, không đòi hỏi quy mô rộng, chỉ cần có vườn cây, sân nhỏ, gia đình thu nhập thấp cũng có thể khởi đầu nuôi số lượng ít. Mô hình còn được khuyến khích nông dân nuôi cần canh thời điểm xuất chuồng vào dịp lễ, Tết để đầu ra thuận lợi và có giá bán cao hơn.

Tuy số hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Phú Tân còn khiêm tốn so với trồng trọt, nhưng mỗi mô hình phát triển đều được địa phương khuyến khích thực hiện theo cách “làm chắc, ăn chắc”. Hiện nay, hầu hết các xã, thị trấn đều có ít nhất 1 mô hình thí điểm nuôi các con giống, được hỗ trợ ban đầu và đã đánh giá hiệu quả. Người dân tùy điều kiện, khả năng có thể áp dụng và đề nghị được giúp đỡ về kỹ thuật, nguồn vốn trong quá trình thực hiện.

MỸ HẠNH