Châu Phú phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10/03/2021 - 04:38

 - Thời gian qua, huyện Châu Phú (An Giang) đã đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và bước đầu mang lại hiệu quả khả quan. Việc kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được quan tâm.

Trồng táo trong nhà lưới tạo ra sản phẩm an toàn

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, trên địa bàn huyện Châu Phú có 2 dự án của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú (xã Bình Phú), gồm: dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi trồng thủy sản Bình Phú với diện tích 450ha và dự án khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao với diện tích 150ha, song song đó còn có dự án khu liên hợp sản xuất giống và nuôi cá tra thương phẩm công nghệ cao của Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi (xã Mỹ Phú). Các dự án đã đi vào hoạt động và có sản phẩm ra thị trường.

Để phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Châu Phú đang triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ “Cánh đồng lớn” xã Bình Phú” giai đoạn thực hiện 2018-2019 và dự án “Xây dựng hệ thống thủy lợi sản xuất nhãn xuồng ứng dụng công nghệ cao xã Khánh Hòa.

Ngành nông nghiệp huyện Châu Phú đã triển khai đến nông dân áp dụng hệ thống tưới nước tự động đo ẩm độ điều khiển bằng điện thoại thông minh và hệ thống tưới bằng tấm pin năng lượng mặt trời, giúp tiết kiệm nhân công lao động. Đặc biệt, đã hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình trồng táo trong nhà lưới tại xã Mỹ Phú đạt hiệu quả, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nông nghiệp, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Châu Phú đạt 185 triệu đồng/ha (tăng 29 triệu đồng/ha so đầu năm 2016). Thời gian tới, Châu Phú đề ra mục tiêu tiếp tục duy trì 2 vùng nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao của Công ty TNHH MTV nuôi trồng thủy sản Nam Việt Bình Phú và Công ty TNHH phát triển Lộc Kim Chi. Đồng thời, quy hoạch các vùng sản xuất cá lóc giống, cá lóc thương phẩm; quy hoạch và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao.

Trong sản xuất lúa, huyện đề ra mục tiêu phát triển diện tích “Cánh đồng lớn”, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, sản xuất lúa thơm đặc sản Jasmine, lúa Japonica và lúa giống chất lượng. Bên cạnh đó, sẽ phát triển diện tích liên kết sản xuất rau màu và diện tích cây ăn trái theo các vùng sản xuất tập trung.

Đặc biệt, huyện còn triển khai các hoạt động nâng cấp và phát triển các sản phẩm đề xuất tham gia đề án OCOP, như: nhãn (xã Mỹ Đức); sản phẩm sấy, củ cải trắng, măng tây xanh (xã Bình Thủy); rượu đinh lăng (xã Bình Long); lúa Jasmine theo chuẩn GlobalGAP và sầu riêng (xã Bình Chánh); táo (xã Mỹ Phú); bưởi và nhãn xuồng (xã Khánh Hòa); rau an toàn (xã Thạnh Mỹ Tây)….

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Châu Phú sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp để đáp ứng yêu cầu sản xuất tập trung, đầu tư các công trình thủy lợi kết hợp giao thông nội đồng phục vụ cải tạo vườn tạp và chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng rau màu hoặc cây ăn trái.

Tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn với các vùng sản xuất tập trung, khuyến khích, hỗ trợ nông dân sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP, mô hình “Cánh đồng lớn”, sản xuất nông sản theo hướng an toàn để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, huyện Châu Phú tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp, hướng tới mục tiêu xuất khẩu, mời các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia chuỗi liên kết các ngành hàng, tạo sự ổn định cho sản xuất và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Ngành nông nghiệp huyện đang hỗ trợ thành lập mới các hợp tác xã, tổ hợp tác tại các vùng sản xuất nông sản an toàn và củng cố, nâng chất các hợp tác xã, tổ hợp tác đủ năng lực để thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm có thương hiệu của huyện, như: lúa trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, cá tra nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, rau sản xuất theo hướng an toàn...

Riêng đối với các sản phẩm đề xuất tham gia đề án OCOP, huyện sẽ tổ chức đánh giá, phân hạng theo bộ tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP để nâng chất sản phẩm đạt tiêu chuẩn, phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

MỸ LINH