Chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững
6 tháng đầu năm, tổng diện tích gieo trồng của huyện Châu Phú đạt trên 68.709ha. Trong đó, diện tích lúa 64.714ha, năng suất bình quân ước đạt 6,54 tấn/ha; diện tích hoa màu trên 3.995ha. Ước tổng sản lượng lương thực đạt 423.193 tấn. Toàn huyện đã được cấp 28 mã số vùng trồng, tổng diện tích trên 908ha, gồm: 17 mã số cấp cho trên 838ha diện tích lúa; 11 mã số cấp cho hơn 70ha diện tích vùng trồng cây ăn trái. Trong đó, có 11 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 202,81ha; 17 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ nội địa với diện tích 705,6ha.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng thông tin, hiện diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện trên 2.253ha, tăng 170,5ha so cùng kỳ. Tại vùng trồng cây ăn trái tập trung, ngành nông nghiệp huyện và các đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp tổ chức tập huấn về kiến thức chuyên môn, kiến thức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp cấp huyện, xã.
Bên cạnh đó, còn hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp kỹ thuật đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm, hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ngành nông nghiệp huyện còn tăng cường tuyên truyền người dân tham gia tổ liên kết sản xuất, hợp tác xã (HTX) để đảm bảo quyền lợi. Tính đến nay, toàn huyện Châu Phú có 28 HTX nông nghiệp, với 776 thành viên. Trong đó, có 2 HTX trồng rau màu, nấm ăn; 4 HTX cây ăn trái; 4 HTX dịch vụ sản xuất lúa; 3 HTX chăn nuôi ếch, lươn, cá lóc giống; 15 HTX phục vụ bơm tưới, tiêu, cung ứng vật tư nông nghiệp. Đồng thời, có 44 tổ hợp tác, với tổng số 405 thành viên.
Thời gian tới, huyện Châu Phú triển khai giải pháp chấn chỉnh, củng cố hoạt động HTX, tổ hợp tác trên địa bàn theo hướng hiệu quả hơn; tăng cường tập huấn, khuyến nông, đào tạo nghề, xây dựng mô hình trình diễn để chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, vận động, hỗ trợ nông dân tham gia sản xuất sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ môi trường, phát triển các mô hình chăn nuôi có liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với các vùng sản xuất rau màu tập trung, ngành nông nghiệp huyện vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, như: Sử dụng nhà màng, nhà lưới, hệ thống phun nước tự động, bón phân hữu cơ sinh học trong sản xuất. Khuyến khích nông dân sử dụng các giống lai F1, giống nuôi cấy mô, kỹ thuật tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước, trồng rau màu trong nhà lưới, sử dụng thuốc theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ, liều lượng và đúng cách), sử dụng sản phẩm hữu cơ, sinh học, vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú Huỳnh Tấn Hưng cho biết: “Trước mắt, ngành nông nghiệp huyện sẽ tập trung theo dõi tình hình sản xuất vụ thu đông và xuống giống vụ đông xuân 2024 - 2025 đúng lịch thời vụ. Tăng cường các giải pháp nhằm ứng phó với thời tiết xấu vào mùa mưa bão và theo dõi sát tình hình sâu bệnh trên cây trồng. Tổ chức xả lũ vụ thu đông với diện tích 7.094ha tại 12 tiểu vùng ở các xã: Mỹ Đức, Bình Mỹ, Bình Long, Bình Phú, Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh và Ô Long Vĩ. Đồng thời, sẽ thành lập mới 3 HTX nông nghiệp ở xã Bình Long, Bình Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh Trung; tiếp tục đánh giá phân hạng 6 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) có đủ điều kiện.
Tiếp tục triển khai thực hiện các lớp tập huấn, tuyên truyền và các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường thăm đồng, tổ chức các cuộc khuyến nông, hội thảo hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Thực hiện tiêm phòng, kiểm soát giết mổ và mua bán sản phẩm gia súc, gia cầm, kiểm dịch thủy sản. Theo dõi tình hình nuôi thả thủy sản, giám sát hoạt động của các cơ sở sản xuất ương giống và thực hiện chuỗi liên kết, tiêu thụ lươn đồng, cũng như theo dõi tình hình hoạt động của các dự án nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện.
MỸ LINH