Măng tây xanh được liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm
Đến nay, huyện Châu Phú đã chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái đạt 1.500ha; kêu gọi đầu tư 3 dự án nông nghiệp ƯDCNC về nuôi trồng thủy sản, với quy mô diện tích 950ha, hiện đã triển khai nuôi được hơn 400ha diện tích mặt nước. Bên cạnh đó, huyện đã thực hiện 13 dự án đầu tư thủy lợi phục vụ các vùng sản xuất tập trung, tổng vốn đầu tư 198 tỷ đồng. Giai đoạn 2020 - 2025, Châu Phú xác định một trong các khâu đột phá là tiếp tục thực hiện việc tái cơ cấu nông nghiệp và đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất gắn với các vùng sản xuất tập trung, kêu gọi đầu tư cho ngành công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp.
Từ việc xác định các sản phẩm chủ lực của huyện giai đoạn 2020-2025 là “lúa - cá - cây ăn trái”, Châu Phú sẽ tiếp tục duy trì, quy hoạch phát triển các vùng sản xuất tập trung và phát triển diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 2.500ha, đồng thời, xây dựng vùng sản xuất cây màu tập trung.
Tận dụng điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, huyện Châu Phú có kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh màu với diện tích 500ha tại xã Bình Thủy, trong đó tăng diện tích trồng măng tây xanh kết hợp ứng dụng công nghệ cao để cho ra sản phẩm sạch, an toàn, thay thế một số loại cây trồng kém hiệu quả. Để canh tác măng tây xanh đạt hiệu quả, xã Bình Thủy đã thành lập hợp tác xã nông nghiệp để liên kết với DN hỗ trợ cây giống, xây dựng chuỗi liên kết bao tiêu nông sản, cũng như thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ƯDCNC tại địa phương.
Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Lợi Phát xã Bình Thủy Nguyễn Trung Tào cho biết: “Qua hơn 1 năm canh tác măng tây xanh chúng tôi nhận thấy, thu nhập mang lại khá đều và ổn định. Do có liên kết sản xuất nên người dân trồng măng tây được hướng dẫn kỹ thuật canh tác để mang lại hiệu quả cao”. Cùng với việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, ngành nông nghiệp huyện Châu Phú còn đẩy mạnh áp dụng công nghệ mới vào sản xuất giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị các loại nông sản trên địa bàn. Đối với rau màu, ngành nông nghiệp huyện triển khai ứng dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật vi sinh trong sản xuất và đảm bảo thời gian cách ly an toàn cho người tiêu dùng. Đối với cây ăn trái, tập trung ứng dụng hệ thống tưới tiêu công nghệ mới và từng bước hướng đến sử dụng nhà lưới quản lý ruồi đục trái để cây cho năng suất cao, sản phẩm sạch, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Song song đó, huyện Châu Phú sẽ tập trung sản xuất hàng hóa đặc thù, phát triển mô hình “mỗi xã một sản phẩm” để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp địa phương, như: nhãn xuồng cơm vàng (xã Khánh Hòa), bưởi da xanh (xã Khánh Hòa), sầu riêng (xã Bình Chánh), táo (xã Mỹ Phú)… Đặc biệt, thời gian gần đây, huyện Châu Phú còn phối hợp các đơn vị thực hiện bảo tồn nguồn gen quý của giống nhãn Mỹ Đức. Ông Trần Nghi Bình (xã Mỹ Đức) cho biết: “Từ những cây nhãn đầu dòng có chất lượng tốt, các đơn vị chuyên môn đã nhân ra được 1.900 nhánh nhãn để cấp phát cho chúng tôi trồng trên diện tích 5ha, tại xã Mỹ Đức đã thành lập tổ hợp tác để chia sẻ kỹ thuật canh tác, nhằm phục tráng giống nhãn Mỹ Đức đặc sản của địa phương”.
Giai đoạn 5 năm tiếp theo, để đạt mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Châu Phú sẽ vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ để thúc đẩy sản xuất và thu hút các nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời, tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi để phát triển các vùng sản xuất tập trung và có cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ nông dân trong quá trình canh tác, sản xuất. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chế biến, giúp nâng cao giá trị sản xuất trong nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và nhân dân, hướng đến phát triển nền nông nghiệp bền vững, chất lượng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới…
MỸ LINH