Châu Thành chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp

18/09/2024 - 05:29

 - Xác định thế mạnh sản xuất nông nghiệp, những năm qua, huyện Châu Thành tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng đất trong sản xuất theo hướng bền vững. Trong đó, tái cơ cấu ngành nông nghiệp được xác định là nhiệm vụ cấp thiết nhằm làm cho chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản nâng lên và tăng lợi nhuận cho nông dân.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết, qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án 08-ĐA/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện đã có nhiều mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng, phát triển sản phẩm sạch, an toàn được triển khai thí điểm và nhân rộng. Bước đầu, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả, góp phần tăng thu nhập bình quân trên 1ha đất canh tác. Từng bước tạo điều kiện cho nhiều loại hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển, xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ, như: Hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống của người dân nông thôn.

Quang cảnh hội nghị sơ kết Đề án 08-ĐA/HU về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và phát triển mỗi xã một sản phẩm, giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030

Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 68,84 triệu đồng/người/năm, đạt 98,34% so chỉ tiêu (chỉ tiêu đến năm 2025 từ 70 - 75 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ lao động trong nông nghiệp đến cuối năm 2023 còn 39,06% (chỉ tiêu đến 2025 dưới 30%); giá trị sản xuất đất nông nghiệp đến cuối năm 2023 là 252,83 triệu đồng/ha, đạt 84,27% so chỉ tiêu (chỉ tiêu đến năm 2025, đạt 300 - 400 triệu đồng/ha).

Toàn huyện chuyển đổi 7.915,13ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và cây màu, rau dưa các loại, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản (đạt 113% so chỉ tiêu). Đồng thời, có 29 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; phát triển 27 sản phẩm chủ lực có nhãn hiệu, thương hiệu, có liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị và đạt tiêu chuẩn sản phẩm sạch, an toàn theo yêu cầu thị trường. Trong đó có 3 sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao…

Nuôi bò vỗ béo

Thời gian qua, huyện Châu Thành đã tranh thủ từ các nguồn vốn Nhà nước và xã hội hóa để đầu tư hạ tầng giao thông nhằm tăng cường liên kết giao thương trong khu vực, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Cụ thể, đã đầu tư gần 300 tỷ đồng để xây dựng mới, sửa chữa, gia cố nhiều tuyến đường, cầu, cống. Hiện, huyện có 7 dự án có chủ trương đầu tư đã và đang triển khai đưa vào sử dụng; 5 dự án các nhà đầu tư đang trình xin chủ trương đầu tư; 10 dự án các nhà đầu tư đang quan tâm đến tìm hiểu, tiếp cận đề xuất. Ngoài ra, huyện lập quy hoạch, chọn 17 dự án đưa vào tập san Châu Thành mời gọi đầu tư, gồm: Các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, giáo dục, y tế…

Các ngành chuyên môn huyện còn thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền về dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cho 200 tuyên truyền viên cơ sở. Qua đó, góp phần giảm lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, tăng cường lực lượng lao động cho các ngành nghề, lĩnh vực khác, nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Hơn 3 năm qua, đã đào tạo 8.109 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 70%. Trong đó, đào tạo nghề trong lĩnh vực nông nghiệp được 959 lao động.

Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ khuyến nông, cán bộ kỹ thuật phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, được quan tâm thường xuyên về tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn. Từ năm 2020 - 2023, huyện thực hiện 30 mô hình và 21 cuộc hội thảo tổng kết đánh giá mô hình từ nguồn ngân sách tỉnh; 52 mô hình và 55 cuộc hội thảo tổng kết từ nguồn ngân sách huyện; tổ chức 50 lớp tập huấn về sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái và mã số vùng trồng; thực hiện 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho Tổ Khuyến nông cộng đồng và nâng cao năng lực cho nông dân áp dụng trong sản xuất; tổ chức 9 cuộc tọa đàm về nhiệm vụ Tổ Khuyến nông cộng đồng và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các hoạt động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, huyện Châu Thành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển các vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn chất lượng; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông; công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch; thương mại, dịch vụ và du lịch nông nghiệp, nông thôn; kinh tế hợp tác. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư; chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn…

TRUNG HIẾU