Châu Thành phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

10/02/2025 - 07:00

 - Có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nên việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được huyện Châu Thành xem là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, huyện Châu Thành tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp. Huyện từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống trạm bơm điện, đảm bảo tưới tiêu trong sản xuất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cơ giới hóa thu hoạch lúa, nâng diện tích sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao. Áp dụng hiệu quả chương trình quản lý dịch hại, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kéo giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận...

Huyện còn chú trọng nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác tại vùng quy hoạch sản xuất, hình thành liên kết phục vụ chuỗi sản xuất. Việc liên kết của hợp tác xã với doanh nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp cho người dân trên địa bàn huyện. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành Nguyễn Phạm Tuấn cho biết: “Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng của địa phương, ngành nông nghiệp huyện tiếp tục cơ cấu lại các lĩnh vực của ngành, ưu tiên đầu tư phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển đổi diện tích từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái phù hợp điều kiện địa phương và nhu cầu của thị trường”.

Dù gặp không ít khó khăn khi chuyển từ canh tác lúa sang trồng cây ăn trái, nhưng với tính chịu khó học hỏi, sự hỗ trợ tích cực của ngành nông nghiệp, hội nông dân các cấp, nhiều nông dân đã và đang phát triển mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Nông dân huyện ngày càng nhạy bén trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, góp phần hình thành vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng lớn… theo chuỗi giá trị. Nhiều nông dân mạnh dạn đầu tư, ứng dụng, thử nghiệm và nhân rộng cây trồng, vật nuôi mới, phá thế độc canh cây lúa; sáng tạo, linh hoạt trong kết hợp sản xuất nông nghiệp với khai thác du lịch sinh thái để phát triển kinh tế. Điển hình như: Mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời cho vườn sầu riêng, mít tại xã Vĩnh Lợi; ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời cho vườn quýt, nhãn tại xã Cần Đăng; nuôi cá lóc và chế biến khô cá lóc ứng dụng nhà sấy năng lượng mặt trời tại xã An Hòa; ứng dụng hệ thống tưới phun tự động bằng pin năng lượng mặt trời cho vườn nhãn phát tài, sầu riêng tại xã Vĩnh Nhuận; trồng nấm mối đen ứng dụng hệ thống phun ẩm và làm mát nhà trồng bằng tấm cooling pad tại xã Bình Hòa; ứng dụng hệ thống tưới phun, điều khiển tự động trên cây sầu riêng tại xã Vĩnh Thành…

Ông Bùi Minh Thắng (ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận) cho biết, sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, năm 2019, ông chuyển đổi 0,2ha đất từ trồng lúa sang trồng sầu riêng, hạnh, rồi tăng lên 1ha. Hiện tại, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình, khoảng 150 triệu đồng/năm. “Bây giờ không chỉ trồng năng suất cao, mà nông dân còn phải biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, mang đến sản phẩm chất lượng, an toàn. Có như vậy mới tạo được lòng tin cho người tiêu dùng” - ông Thắng chia sẻ.

Thời gian tới, huyện Châu Thành tập trung rà soát quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa đặc sản gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ theo mô hình “Cánh đồng lớn”. Đặc biệt, quy hoạch vùng sản xuất rau màu an toàn xã Bình Thạnh; phát triển vùng sản xuất rau màu theo hướng an toàn gắn với chuyển đổi cây trồng; mở rộng diện tích nấm ăn, nấm dược liệu; vùng nuôi thủy sản, sản xuất giống thủy sản và vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị và chất lượng hàng hóa nông sản; từng bước xây dựng vùng chuyên canh sản xuất tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng địa phương, có tính cạnh tranh cao, tiềm năng phát triển, kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Tiếp tục củng cố, nâng chất hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với liên kết ngành hàng chủ lực với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá rộng rãi sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và các sản phẩm tiềm năng, đảm bảo chất lượng, giá cả cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng…

TRUNG HIẾU