Chiến lược ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới

08/11/2021 - 06:26

 - 4 mục tiêu lớn của chiến lược ứng phó dịch COVID-19 trong tình hình mới là giảm tỷ lệ người mắc COVID-19, tăng tỷ lệ bao phủ vaccine, giảm tỷ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) gắn với việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19.

Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19

Tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi

Mục tiêu lớn nhất là bảo vệ sức khỏe người dân đặt lên trên hết; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, tạo điều kiện khôi phục sản xuất - kinh doanh, phát triển KTXH, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới. Trong đó, công tác phòng, chống dịch đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, nhà nước và cả hệ thống chính trị.

An Giang đang đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19, xây dựng "thẻ xanh" COVID-19 cho người dân. Đến ngày 4-11-2021, An Giang có 93,32% người dân từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 1 vaccine COVID-19, 14,14% người dân được tiêm mũi 2; tăng cao so ngày 1-10-2021 (tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 21,09%, mũi 2 đạt 7,55%). Kết quả trên cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của tỉnh để đưa cuộc sống người dân sớm trở lại bình thường mới, thích ứng linh hoạt. Thực tế, người tiêm đủ 2 mũi vaccine có thể được hưởng lợi từ chính sách “thẻ xanh” đang được tỉnh xây dựng.

Mới đây, người dân hết sức phấn khởi khi ngày 3-11, An Giang tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi. Bởi, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất giúp các bậc phụ huynh an tâm đối với trẻ nhỏ, bên cạnh thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế. Việc tiêm vaccine là một trong những điều kiện an toàn khi người dân tham gia các hoạt động và học sinh có thể trở lại trường.

Theo Sở Y tế, việc mở rộng đối tượng tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Thời gian triển khai trong tháng 11 trên toàn tỉnh, dự kiến từ 3-7 ngày tùy thuộc vào lượng vaccine được phân bổ và sẽ tiêm nhắc lại mũi 2. Đối tượng tiêm là trẻ từ 12-17 tuổi trong tỉnh (kể cả trẻ em hiện đang tạm trú tại các hộ gia đình, nhà trọ, lang thang cơ nhỡ, không còn đi học), với khoảng 200.000 trẻ. Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại trường học, trạm y tế và các điểm tiêm chủng lưu động tại vùng sâu, vùng xa, vùng phong tỏa vì COVID-19...

Chiến dịch triển khai tại 11 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh. Sử dụng vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12-17, theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế.  Mục tiêu có ít nhất 90% trẻ từ 12-17 tuổi trên toàn tỉnh được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19, để phòng, chống dịch chủ động. Để thực hiện, tỉnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị tham gia chiến dịch tiêm chủng; huy động tối đa các lực lượng tham gia hỗ trợ triển khai tiêm chủng; đảm bảo tối đa an toàn tiêm chủng.

Không chủ quan, lơ là dù đã tiêm vaccine

Sau giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, tỉnh tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống dịch song song với việc phát triển kinh tế để thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, do không duy trì được tính cảnh giác và tự giác cao độ, một bộ phận người dân không tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nên sau khi kiểm soát khá tốt dịch bệnh COVID-19, thì đã xảy ra những ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nguyên nhân chủ yếu của đợt lây nhiễm trong cộng đồng lần này chính là sự chủ quan, thiếu ý thức của người dân, không tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Do đó, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, cần thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát việc chấp hành của mọi người về phòng, chống dịch; kiểm tra, kiểm soát, tổ chức chặt chẽ quy trình cách ly cũng như trách nhiệm cụ thể đến từng cá nhân, tổ chức và xử lý nghiêm mọi vi phạm để công tác phòng, chống dịch COVID-19 thực sự có hiệu quả; góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng nhân dân.

Theo Sở Y tế An Giang, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, người dân không nên chủ quan, bởi một số người đã tiêm vaccine vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch khác, đặc biệt là thông điệp “5K”. Nguyên nhân do vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi vaccine thứ 2 từ 1 tháng trở lên thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo loại vaccine.

Theo khuyến cáo của ngành y tế, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine COVID-19 cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó có “5K”: khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tập trung - khai báo y tế.

HẠNH CHÂU