Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới đã cơ cấu lại ngành nông nghiệp, mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và các sản phẩm có lợi thế.
Việc phát triển các hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm phát huy và nâng cao các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn. Năm 2023, toàn huyện đã có 7 sản phẩm đạt chứng nhận (2 sản phẩm đạt 4 sao, 5 sản phẩm 3 sao).
Sau khi tham gia và được chứng nhận OCOP thì nhận thức của các chủ thể đã có nhiều thay đổi về chất lượng sản phẩm, bao bì sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại…
Lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: HẠNH CHÂU
Chị Nguyễn Thị Kim Loan (chủ cơ sở kinh doanh khô cá lóc Kim Loan, xã Long Kiến) cho biết, để có được sản phẩm khô cá lóc ngon, quy trình sản xuất được khép kín từ nguyên liệu cá tươi, đảm bảo, an toàn, ướp gia vị theo công thức gia truyền, không sử dụng chất bảo quản, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa mẫu mã để tăng sức hút cho sản phẩm.
Được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao tỉnh An Giang năm 2020 và tiếp tục tái công nhận cuối năm 2023, cơ sở luôn chú trọng việc quảng bá, xây dựng thương hiệu thông qua website, các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử… Nhờ đó, thị trường tiêu thụ ngày được mở rộng.
Cũng giống như cơ sở kinh doanh khô cá lóc Kim Loan, Công ty TNHH sản xuất, thương mại Tiến Anh (thị trấn Chợ Mới) luôn chú trọng sản xuất bánh hạnh nhân với nhiều mẫu mã, bao bì đẹp mắt, sản phẩm chất lượng, an toàn với người tiêu dùng.
Ông Trần Lê Hùng (Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Tiến Anh) cho biết, để giữ vững thương hiệu bánh hạnh nhân Tiến Anh OCOP 4 sao, công ty luôn lấy chất lượng để chinh phục khách hàng. Hiện nay, mặt hàng chủ lực của công ty là bánh hạnh nhân bông mai với nhiều hương vị, như: Đậu phộng, mè, sô-cô-la, bánh kẹp và bánh quy nhân khóm…
Hàng năm, nhân viên của công ty đều được tham gia các lớp tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm; máy móc, trang thiết bị đều được kiểm tra thường xuyên; lựa chọn nguyên liệu, đóng gói, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm luôn được công ty thực hiện đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm…
Bên cạnh các sản phẩm OCOP, huyện Chợ Mới là địa phương có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh với tổng diện tích hơn 6.400ha. Trong đó, xoài tượng da xanh tập trung chủ yếu ở xã Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân với tổng diện tích 4.204ha. Toàn huyện Chợ Mới đã cấp được 41 mã số vùng trồng trên xoài tượng da xanh, với diện tích 6.149ha xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc.
Cụ thể, vào ngày 5/1, UBND huyện Chợ Mới phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công ty TNHH XNK TMDV Vina T&T tổ chức lễ công bố xuất khẩu 7 tấn xoài tượng xanh đầu tiên của huyện Chợ Mới sang thị trường Úc và Hoa Kỳ. Trong đó, có 6 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Úc và 1 tấn xoài tượng da xanh được cấp mã số vùng trồng sang thị trường Hoa Kỳ.
Tiếp nối thành công đó, ngày 19/2, UBND huyện Chợ Mới phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô xoài hạt lép đầu tiên sang thị trường Hàn Quốc và lễ ký kết liên kết sản xuất, tiêu thụ xoài theo chuỗi giá trị.
Lô xoài hạt lép đầu tiên với 13 tấn được cấp mã số vùng trồng xuất khẩu sang Hàn Quốc trên cơ sở hợp đồng đã ký kết của Hợp tác xã GAP Cù Lao Giêng và Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit. Qua đó, thúc đẩy kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm xoài theo chuỗi giá trị, xuất khẩu sang các thị trường có lợi thế cạnh tranh cao thông qua ký kết hợp đồng tiêu thụ và cung cấp vật tư đầu vào trả tiền cuối vụ.
Đây không chỉ mang lại cơ hội kinh tế lớn mà còn giúp thúc đẩy hình ảnh và uy tín của nông sản trên thị trường quốc tế, khẳng định thế mạnh và sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp huyện Chợ Mới nói riêng, tỉnh An Giang nói chung.
TRỌNG TÍN