Một điểm sạt lở đe dọa lộ giao thông ở cù lao Vĩnh Trường
Tuyến lộ giao thông chạy vòng quanh cù lao Vĩnh Trường những ngày này có vẻ “vắng lặng” hơn, bởi địa phương đã cấm các phương tiện giao thông 4 bánh hoặc có tải trọng lớn qua lại nơi đây. Hơn 1 tháng nay, nước lũ về nhanh và nhiều đã khiến cho tuyến đường huyết mạch này luôn trong tình trạng báo động bởi hiện tượng SL ngày một nhiều hơn. Đã gần 70 tuổi đời và là thế hệ thứ 6 về “cắm dùi” trên đất cù lao này, ông Nguyễn Văn Lẻo không khỏi lo lắng bởi dòng sông cứ dần tiến sát vào lề đường, cách nhà ông chưa đến 10m. “Trước kia, cù lao Vĩnh Trường có SL nhưng không nhiều như bây giờ. Mỗi lần bước ra nhìn xuống chỗ SL mà tui giật mình. Chắc năm sau tui phải dời nhà vô chục mét nữa mà chưa chắc đã an toàn. Tuyến lộ này được láng nhựa nhiều năm nhưng hiện nay đã SL mất phần lề đường. Trước kia còn có thể ra bờ sông mò hến, bắt dẹm, chứ bây giờ không ai dám bước xuống bởi độ sâu mấy điểm SL đã hơn 4m, có chỗ còn tới 5-6m” - ông Lẻo thở dài.
Từ khi xuất hiện tình trạng SL, Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Trường đã tiến hành di dời 3 hộ dân trong vùng SL đến nơi ở mới an toàn. Đồng thời, địa phương đã tiến hành vận động người dân đốn hạ những cây to có rễ ăn sâu vào tuyến lộ giao thông này để hạn chế áp lực cho con đường và trưng dụng để đóng cừ gia cố cho các điểm bị SL. “Đã có 3 điểm SL nghiêm trọng xuất hiện trên tuyến đường nên chúng tôi nỗ lực gia cố, chằng chống tạm thời và cảnh báo người dân cẩn thận khi qua khu vực này. Mới đây, lại xuất hiện vết SL dài 50m, ăn sâu gần 4m vào đất của người dân tại ấp Vĩnh Bình nên địa phương đã vận động các hộ dân trong khu vực nhanh chóng di dời để tránh thiệt hại về người. Theo chỉ đạo của UBND huyện An Phú, địa phương đang cố gắng giữ gìn tuyến đường giao thông này, bởi ngoài mục đích dân sinh thì đây còn là tuyến đê bảo vệ diện tích lúa vụ 3 của người dân địa phương” - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trường Nguyễn Văn On cho hay.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện An Phú, hiện nay có 18 điểm SL với tổng chiều dài hơn 4.300m, tổng diện tích khoảng 1,28ha trên toàn huyện. Những điểm SL nghiêm trọng tập trung tại các xã Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu, Phú Hội và địa phương đã gia cố, cắm biển báo giao thông, làm rào chắn tạm để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuy nhiên, gia cố chỉ là việc trước mắt trong khi SL là câu chuyện diễn ra từ lâu ở xứ đầu nguồn, cần có biện pháp khắc phục căn cơ, lâu dài. Là cù lao nhỏ nằm giữa lòng sông Hậu, Vĩnh Trường luôn bị đe dọa bởi nước lũ hàng năm nên người dân nơi đây cứ vừa chống lũ lại vừa lo chống SL. “Cách địa phương làm hiện nay cũng chỉ là “rách đâu vá đó”, chứ người dân tụi tui nghĩ rằng tốt nhất là phải xây kè để giữ lại con đường này. Nếu nước lũ năm sau tương tự bây giờ thì chuyện SL còn tiếp diễn. Dân không sợ tốn công, chỉ sợ mất con đường giao thông này thì cực lắm” - ông Nguyễn Văn Lẻo đề xuất.
Để hạn chế tối đa hiện tượng SL, ông Nguyễn Văn On cho rằng, cần thiết phải xây dựng một công trình cản nước, chỉnh trị lại dòng chảy để đầu cồn Vĩnh Trường không phải chịu “sức đạp” của sông Hậu như hiện nay. “Chúng tôi mong mỏi các cấp, ngành nên có phương án chỉnh sửa dòng chảy để hạn chế sức nước đổ về đầu cồn Vĩnh Trường. Một khi không còn bị SL đe dọa thì người dân ở khu vực này mới có thể yên tâm sản xuất, cải thiện đời sống. Ngoài ra, việc xây kè tại những điểm SL diễn biến phức tạp cặp tuyến lộ giao thông huyết mạch của xã rất cần thiết, nếu con đường này bị sụp thì chi phí khắc phục không nhỏ, trong khi việc làm một con đường khác sẽ mất nguồn kinh phí lớn hơn”.
Năm 2018, huyện An Phú đã tiến hành hỗ trợ 43 hộ dân bị ảnh hưởng bởi SL di dời về nơi an toàn tại các xã: Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu, Quốc Thái và Phú Hữu. Tổng kinh phí hỗ trợ là 860 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ di dân vùng SL. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện An Phú yêu cầu các xã Vĩnh Trường, Vĩnh Hậu, Phú Hữu… thường xuyên kiểm tra các điểm SL trên tinh thần chủ động bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. |
THANH TIẾN