Chủ động chăm sóc lúa thu đông

26/09/2022 - 07:18

 - Do ảnh hưởng thời tiết, một số diện tích lúa thu đông 2022 trên địa bàn An Giang đã xuất hiện sâu, bệnh gây hại. Để bảo vệ sản xuất thắng lợi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân lựa chọn giống phù hợp, gieo sạ tập trung, đồng loạt để phòng, chống dịch bệnh, áp dụng các biện pháp khoa học - kỹ thuật...

An Giang hiện có 699 tiểu vùng, trong đó, 417 tiểu vùng có đê bao kiểm soát lũ triệt để với diện tích khoảng 189.000ha. Vụ thu đông 2022, diện tích lúa xuống giống 152.900ha. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về cơ cấu giống lúa, mỗi địa phương xác định cơ cấu giống gồm 4-5 giống chủ lực, 4-5 giống bổ sung và vài giống triển vọng; cơ cấu 1 giống không quá 20%; phấn đấu 80% diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao.

Căn cứ vào số liệu theo dõi tình hình giá lúa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã khuyến cáo nông dân canh tác một số giống, như: OM9582, Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… Đây là giống lúa thời gian qua được doanh nghiệp thu mua với giá cao và có chiều hướng tăng. Bên cạnh đó, nông dân còn được khuyến khích sử dụng nhóm giống lúa có triển vọng để thay thế giống lúa không còn phù hợp tại địa phương, được đề xuất, như: Lộc Trời 7, Lộc Trời 18, Lộc Trời 28, OM448, OM418…

Vụ lúa thu đông 2022 đang được nông dân tích cực chăm sóc

Hiện nay, các trà lúa thu đông đa số ở giai đoạn đẻ nhánh đến làm đòng. Dự kiến đến cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2022, những trà lúa gieo sạ sớm bước vào giai đoạn chín và thu hoạch. Theo đánh giá của nhiều nông dân, lúa thu đông hiện đang phát triển tốt. Tuy nhiên, nông dân vẫn lo bởi tình hình thời tiết và mưa bão diễn biến phức tạp sẽ gây hại cho lúa. Anh Nguyễn Thành Nam (nông dân huyện Chợ Mới) cho biết, thời tiết năm nay không thuận lợi, từ đầu vụ đến nay mưa nhiều, giông lớn nên ruộng lúa dễ bị đổ ngã và ngập úng. Do đó, anh Nam phải thường xuyên thăm đồng để chủ động tiêu thoát nước, giúp cây không bị ngập úng, đổ ngã.

Những ngày gần đây, mưa nhiều, thời tiết âm u, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho nhiều loại sâu bệnh phát sinh gây hại, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng của các loại cây trồng, nhất là trên cây lúa. Anh Trần Văn Tân (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Tình hình sâu bệnh trong vụ này diễn biến khá phức tạp. Song, nhờ ngành chức năng hướng dẫn cách phòng trị nên lúa không bị thiệt hại nhiều. Ngoài ra, tôi thường xuyên thăm đồng để sớm phát hiện các loại dịch bệnh trên cây lúa. Khi phát hiện bệnh thì phun thuốc đặc trị để tránh dịch bệnh phát triển, lan rộng”. Anh Tân cho biết thêm, ngoài tình hình thời tiết, sâu bệnh, nông dân còn lo lắng bởi giá vật tư nông nghiệp đang tăng cao. Anh Tân chủ động áp dụng các biện pháp được ngành nông nghiệp khuyến cáo, như: “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”… nhằm bảo vệ thiên địch, tiết kiệm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng lúa...

Để chủ động bảo vệ năng suất lúa thu đông 2022, ngành nông nghiệp đã tăng cường khuyến cáo nông dân vệ sinh đồng ruộng kỹ trước khi gieo sạ. Bên cạnh đó, tập trung xuống giống đồng loạt từng vùng, từng cánh đồng theo lịch thời vụ để né rầy. Các địa phương đều tùy theo điều kiện cụ thể về đất đai, thời tiết, chế độ nước, diễn biến rầy nâu để xác định thời điểm gieo sạ trong khung lịch thời vụ chung của tỉnh.

Theo dự báo ngành nông nghiệp, vụ thu đông 2022, có một số loại đối tượng dịch hại, như: Muỗi hành, rầy nâu, đạo ôn, cháy bìa lá, lem lép hạt… Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, thăm đồng thường xuyên, sớm phát hiện, phòng trừ dịch bệnh kịp thời để đảm bảo năng suất, sản lượng vụ lúa thu đông... Ngành nông nghiệp chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông, kịp thời thông báo về tình hình dịch hại, các biện pháp phòng, chống cho nông dân biết và chủ động thực hiện. Tích cực tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, sử dụng vật tư nông nghiệp đảm bảo an toàn, hiệu quả…

Với việc tích cực chăm sóc cùng các biện pháp chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa kịp thời, sẽ là yếu tố quan trọng giúp diện tích lúa thu đông 2022 của tỉnh sinh trưởng và phát triển tốt, đảm bảo năng suất, sản lượng theo kế hoạch đã đề ra.

Theo kế hoạch đăng ký trước của các doanh nghiệp, vụ thu đông 2022, có tổng diện tích liên kết tiêu thụ khoảng 65.500ha (chiếm 42,34% kế hoạch xuống giống), với sự tham gia liên kết của 14 công ty, doanh nghiệp.

ĐỨC TOÀN