Chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt

31/03/2021 - 03:46

Mùa khô năm nay dự báo thời tiết vẫn diễn biến phức tạp. Vì vậy, từ cuối năm 2020, UBND huyện Phú Tân (An Giang) đã sớm ban hành kế hoạch khắc phục hạn, nước kiệt đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất năm 2021. Huyện chỉ đạo các ngành, địa phương phải khẩn trương thực hiện giải pháp phòng, chống hạn, đảm bảo cung cấp đủ nước tưới cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Thực hiện các biện pháp khắc phục hạn, kiệt để đảm bảo nguồn nước

Trong mùa nắng nóng gay gắt, nông dân trồng rau màu trên địa bàn xã Tân Trung đã nhẹ lo và đỡ vất vả hơn nhờ đầu tư hệ thống tưới phun tự động. Cách làm này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, mà còn tiết kiệm nguồn nước tưới trong giai đoạn nắng nóng như hiện nay. Vụ đông xuân năm 2020-2021, xã Tân Trung xuống giống trên 280ha rau màu với trên 700 hộ tham gia sản xuất các loại, như: ớt, kiệu, đậu nành rau, bắp và khoai cao.

Hội Nông dân xã Tân Trung cho biết, trên 80% số hộ dân có đất sản xuất sử dụng mô hình tưới phun tự động, chỉ cần đầu tư 4-5 triệu đồng cho hệ thống giàn phun tự động phục vụ khoảng 1.000m2 sẽ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất đáng kể. Ông Nguyễn Phước Hòa (nông dân đang trồng khoai cao ở vùng này) cho biết, biện pháp tưới phun đối với cây trồng nào cũng thích hợp, nhất là trong mùa nắng nóng, cây trồng được mát lá, cây tốt hơn phương pháp bơm tràn.

“Bây giờ đa số nông dân chuyển sang tưới phun, so lại cách tưới tay ngày xưa rất cực, nặng chi phí, làm cách này đầu tư một lần mà sử dụng được nhiều năm” - ông Hòa khẳng định. Đang vào cao điểm vụ thu hoạch ớt nên mỗi ngày anh Văng Văn Bằng sử dụng béc tưới tự động vào buổi trưa và chiều, đảm bảo cây trồng đủ nước. Anh Bằng cho biết, muốn cây ớt xanh tốt, mỗi lần tưới phải “quơ” béc từ 5-10 phút, cây không bị mất nước sẽ cứng cáp, ít đổ ngã. Theo kinh nghiệm của người dân, tùy theo cây trồng và loại ống mà điều tiết lượng nước nhiều hay ít để sử dụng vừa đủ, không thừa cũng không thiếu.

Vụ hè thu, toàn huyện Phú Tân xuống giống 23.855ha lúa nếp. Do vụ đông xuân diện tích xuống giống tập trung trong tháng 11 và 12-2020 nên nhu cầu nước tưới cuối vụ đông xuân và xuống giống đầu vụ hè thu (tháng 3 và 4-2021) sẽ rất lớn, nhưng lại rơi vào thời điểm mực nước sông ở mức thấp nhất, nếu có hạn kéo dài thì việc cung cấp nước tưới vào mùa khô sẽ rất khó khăn. Phần lớn hệ thống kênh nội đồng trên địa bàn huyện (chủ yếu là kênh rạch tự nhiên) đã được quan tâm đầu tư để nạo vét phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nước tưới cần có kế hoạch nạo vét kết hợp vận hành cống dưới đê tiểu vùng và chủ động bơm chuyền đối với các vùng cần bơm cấp 2 một cách hợp lý và chủ động.

Ở các vùng khác trên địa bàn huyện, sau thu hoạch vụ đông xuân năm 2020-2021, Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Phú Tân triển khai thi công 3 công trình tạo nguồn tại kênh K16, kênh Phú An và kênh Phú Thọ, tổng chiều dài trên 13km, phục vụ nước tưới trên 12.000ha. Đồng thời nạo vét 11 tuyến kênh nội đồng tại các xã: Long Hòa, Phú Lâm, Phú Thọ, Hòa Lạc, Phú Bình… tổng chiều dài 25km, phục vụ nước tưới cho trên 2.000ha ở các tiểu vùng có nguy cơ thiếu nước tưới. Chuẩn bị cho vụ sản xuất hè thu năm nay, huyện Phú Tân đầu tư kinh phí trên 11 tỷ đồng để nạo vét tạo nguồn kênh, mương nội đồng.

Theo kế hoạch khắc phục hạn, nước kiệt đảm bảo nước tưới phục vụ sản xuất năm 2021 của huyện, căn cứ dự báo diễn biến thời tiết và kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong năm, UBND huyện yêu cầu các ngành, địa phương tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân nhận thức được những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu để có ý thức chủ động phòng chống. Đồng thời, quản lý nhà nước cấp huyện, cấp xã phải có trách nhiệm đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

UBND huyện đã giao các phòng chuyên môn và UBND các xã, thị trấn phối hợp nạo vét các công trình kênh, mương nội đồng có nhu cầu bức xúc. Các địa phương phải có phương án thực hiện kế hoạch đến từng tiểu vùng, từng hạng mục công trình nội đồng. Đối với các xã: Tân Hòa, Phú Hưng, Hiệp Xương, Phú Xuân, Bình Thạnh Đông, Phú Bình, Hòa Lạc là những nơi có nhiều kênh nội đồng, diện tích nông dân tự bơm tưới từ kênh nội đồng tương đối lớn nên việc đảm bảo nước tưới cần quan tâm đặc biệt. Trong đó, ưu tiên phương án đóng tích trữ nước bằng hệ thống cống dưới đê vào những ngày nước lớn, nhằm giảm thiểu tối đa chi phí bơm chuyền.

Với nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai kịp thời, đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Phú Tân đảm bảo khá tốt nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

MỸ HẠNH