Chủ động sản xuất trong điều kiện nắng nóng, khô hạn

01/03/2024 - 04:47

 - ĐBSCL đang bước vào một trong những mùa khô khắc nghiệt nhất, với nền nhiệt tăng, mưa hiếm hoi, mực nước thấp, khả năng xâm nhập mặn cao. Với lợi thế đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang dù ít chịu tác động so các tỉnh hạ nguồn, nhưng vẫn cần theo dõi kỹ diễn biến thời tiết, thủy văn để chủ động sản xuất.

Nắng nóng gay gắt, ít mưa

Theo ghi nhận của Đài Khí tượng Thủy văn An Giang, nhiệt độ trung bình tháng 12/2023 và tháng 1/2024 phổ biến từ 24,8 - 29,9oC, cao hơn từ 1,7 - 1,9oC so trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, với nhiệt độ cao nhất 34,5oC.

Bước vào mùa khô năm nay, khuynh hướng nắng nóng càng gay gắt hơn. Từ tháng 2 - 6, nhiệt độ trung bình cao hơn TBNN từ 1 - 2oC. Mùa nắng nóng năm 2024 có khả năng sẽ đến sớm, với nhiệt độ cao nhất có thể lập kỷ lục 37 - 38oC. Từ nửa cuối tháng 2, các địa phương biên giới của An Giang đã xuất hiện nắng nóng cục bộ.

Từ tháng 3, khi áp thấp nóng phía Tây phát triển mạnh và mở rộng về phía Đông Nam, nền nhiệt toàn tỉnh càng tăng mạnh, nắng nóng xuất hiện trên diện rộng kéo dài nhiều ngày, khả năng xuất hiện khoảng 7 - 10 đợt nắng nóng. Vào cao điểm mùa khô (tháng 3 - 4), khô hạn có khả năng xảy ra ở vùng Bảy Núi (huyện Tri Tôn và TX. Tịnh Biên). Đến tháng 7 - 8, nhiệt độ trở lại mức xấp xỉ TBNN, nhưng trong tháng 7/2024, nắng nóng vẫn còn khả năng xuất hiện cục bộ, với nhiệt độ cao nhất trên 35oC.

Trong tháng 12/2023 và tháng 1/2024, tổng lượng mưa ghi nhận thấp hơn TBNN từ 10,7 - 60,7mm; tháng 2 - 3/2024, mưa trái mùa rất ít. Nửa cuối tháng 3, khả năng vài nơi có mưa rào và giông trái mùa, do đối lưu nhiệt địa phương, nhưng lượng mưa hầu hết không lớn, tổng lượng mưa tháng 3 thấp hơn TBNN. Tháng 4, khả năng sẽ có những trận mưa rào và giông, nhưng chỉ xảy ra ở vài nơi, tổng lượng mưa thấp hơn TBNN. Từ tháng 5 - 8, tổng lượng mưa xấp xỉ TBNN.

Mùa mưa năm nay có khả năng bắt đầu muộn hơn TBNN (khoảng nửa đầu tháng 5). Trong tháng 7 - 8, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, chi phối thời tiết trong tỉnh, gây mưa lớn diện rộng. Các địa phương và người dân cần đề phòng hiện tượng thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ, nhất là giai đoạn chuyển mùa và các tháng đầu mùa mưa.

Mực nước thấp, độ mặn cao

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, mực nước các trạm trong tỉnh từ tháng 12/2023 đến nay đều thấp hơn cùng kỳ. Xâm nhập mặn vùng cửa sông thuộc tỉnh Kiên Giang xuất hiện sớm hơn TBNN khoảng 10 - 15 ngày, độ mặn cao nhất từ tháng 12/2023 đến nửa đầu tháng 2/2024 trên sông Kiên (tại Rạch Giá) ở mức 1‰; trên kênh Rạch Giá - Long Xuyên (tại Sóc Cung) ở mức 0,1‰.

Từ tháng 2 - 4/2024, mực nước các trạm thượng nguồn sông Mekong biến đổi chậm với xu thế xuống dần, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về hạ lưu (qua 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc) có khả năng thấp hơn TBNN và thấp hơn cùng kỳ năm 2023 khoảng 10 - 15%. Từ tháng 6 - 8, mực nước trên khu vực sông Mekong tăng dần, nhưng tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long vẫn thấp hơn cùng kỳ từ 5 - 10%.

Khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Khánh An, Châu Đốc và vùng hạ lưu sông, mực nước dao động theo triều, với xu thế xuống dần, mực nước thấp nhất năm 2024 có khả năng xuất hiện khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, ở mức thấp hơn TBNN từ 0,05 - 0,15m. Đối với khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên, mực nước thấp nhất năm có khả năng xuất hiện trong khoảng cuối tháng 5 đến đầu tháng 6, ở mức thấp hơn TBNN từ 0,1 - 0,2m. Từ tháng 6 - 8, mực nước trên các sông, kênh, rạch có xu thế lên dần, nhưng mực nước cao nhất và thấp nhất vẫn thấp hơn TBNN từ 0,1 - 0,2m.

Xâm nhập mặn vùng cửa sông khu vực biển Tây thuộc tỉnh Kiên Giang có xu thế tăng cao trong các đợt triều cường, độ mặn cao nhất có khả năng xuất hiện khoảng cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, sau đó giảm dần và có khả năng tiếp tục kéo dài đến cuối tháng 6. Diễn biến xâm nhập mặn vùng giáp ranh giữa 2 tỉnh An Giang - Kiên Giang tại huyện Tri Tôn, Thoại Sơn phụ thuộc vào nguồn nước từ sông Hậu truyền vào và quá trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên. Độ mặn cao nhất có khả năng ở mức từ 0,3 - 0,5‰, duy trì đến hết tháng 6/2024.

Ảnh hưởng cao điểm mùa khô, với diễn biến khô hạn, nắng nóng, mực nước xuống thấp chủ yếu tác động trong thời gian canh tác vụ hè thu. Do đó, các địa phương và nông dân cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, có biện pháp chủ động nguồn nước tưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm tiết kiệm nước, thích ứng với điều kiện thời tiết.

NGÔ CHUẨN