Chuẩn bị tốt cho vụ thu đông 2023

06/07/2023 - 07:02

 - Với hệ thống đê bao khép kín, việc sản xuất vụ thu đông trong mùa lũ khá an toàn; giá nông sản thường cao do nhiều tỉnh không có điều kiện canh tác. Vấn đề cần quan tâm là tạo sự đồng thuận đối với diện tích cần xả lũ để tái tạo đất; chủ động mời gọi doanh nghiệp (DN) liên kết tiêu thụ hết sản lượng lúa, rau màu, trái cây…

Chú ý lịch thời vụ

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) Nguyễn Văn Hiền cho biết, vụ thu đông 2023, toàn tỉnh An Giang dự kiến xuống giống 148.133ha lúa; ước năng suất bình quân 6,23 tấn/ha, sản lượng dự kiến 923.034 tấn. Về diện tích xả lũ, đến nay đã có 7 huyện, thị xã, thành phố gửi kế hoạch về Chi cục TT&BVTV diện tích xả lũ khoảng 34.557ha.

Chi cục TT&BVTV khuyến cáo khung lịch thời vụ xuống giống vụ thu đông trong toàn tỉnh từ ngày 15/7 - 31/8 (28/5 - 16/7 âm lịch), gồm 3 trà lúa. Trong đó, trà lúa sớm xuống giống khoảng 10.000ha, tập trung tại huyện Tri Tôn, TX. Tịnh BiênTP. Long Xuyên; trà đại trà xuống giống khoảng 132.000ha trong toàn tỉnh; trà muộn xuống giống khoảng 6.000ha, tại các vùng sản xuất lúa 3 vụ của các huyện Châu Phú, Chợ Mới, An PhúTX. Tân Châu.

Trên cơ sở theo dõi diễn biến rầy nâu vào bẫy đèn trong và ngoài tỉnh, tình hình thu hoạch lúa hè thu 2023, Chi cục TT&BVTV khuyến cáo lịch xuống giống đồng loạt, tập trung và né rầy chia làm 2 đợt. Trong đó, đợt 1 xuống giống tập trung từ ngày 15/7 - 20/7, ở những vùng thu hoạch lúa hè thu sớm và đại trà, diện tích khoảng 25.000ha, tập trung tại các huyện Tri Tôn, An Phú, Chợ Mới, Thoại Sơn, TX. Tịnh Biên và TP. Long Xuyên. Đợt 2 xuống giống tập trung từ ngày 5/8 - 20/8, xuống giống dứt điểm ở những vùng thu hoạch lúa hè thu đại trà và muộn, gồm các huyện An Phú, Châu Phú, Phú Tân, Châu Thành, Chợ Mới, Thoại Sơn, TX. Tân Châu và TP. Châu Đốc, với 60.000ha.

“Tùy theo tình hình rầy nâu vào bẫy đèn ở từng địa phương mà có lịch xuống giống cụ thể, nhưng phải tuân thủ lịch xuống giống đồng loạt, tập trung, né rầy và theo khung lịch thời vụ chung của tỉnh. Lưu ý, trên cùng một tiểu vùng, không để nhiều trà lúa đan xen nhau” - ông Nguyễn Văn Hiền khuyến cáo.

Căn cứ số liệu theo dõi cho thấy, các giống lúa OM9582, Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM6976, OM18, Jasmine 85, OM9577, OM4900… thời gian qua được DN thu mua giá cao và theo chiều hướng tăng. Do đó, các huyện, thị xã, thành phố có biện pháp chỉ đạo và khuyến cáo nông dân sản xuất các giống này trong vụ thu đông 2023.

Bên cạnh đó, có thể khuyến cáo nông dân sử dụng nhóm giống có triển vọng để thay thế các giống lúa không còn phù hợp trong sản xuất tại địa phương, được đề xuất gồm: Lộc Trời 28, OM34, OM418... Riêng đối với nhóm giống lúa Japonica (ĐS1, Hana, Kinu...) và nếp, chỉ sản xuất khi có hợp đồng tiêu thụ với DN, khi sản xuất phải phù hợp với các tiêu chuẩn: “1 phải, 5 giảm”, SRP, VietGAP, GlobalGAP...

Xúc tiến liên kết tiêu thụ

Theo kế hoạch đăng ký của 14 DN, tổng diện tích liên kết tiêu thụ lúa thu đông 2023 là 106.260ha, chiếm 71,73% diện tích kế hoạch xuống giống. Chi cục TT&BVTV đề nghị các địa phương tăng cường kết nối thông tin để DN, thương lái thu mua hết sản lượng lúa, nếp còn lại. Trong đó, lưu ý 2 đợt thu hoạch cao điểm, gồm: Đợt 1 từ ngày 9/11 - 23/11, thu hoạch khoảng 280.000 tấn; đợt 2 từ ngày 30/11 - 15/12/2023, thu hoạch khoảng 190.000 tấn.

Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết, đối với rau màu, kế hoạch sản xuất vụ thu đông 13.883ha (cây màu 4.266ha, rau dưa các loại 9.617ha). Tỉnh tiếp tục phát triển tập trung sản xuất rau màu tại các vùng trọng điểm: Xã Kiến An (huyện Chợ Mới), xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), xã Bình Thủy (huyện Châu Phú), xã Bình Thạnh (huyện Châu Thành), xã Châu Phong (TX. Tân Châu)… gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Ngành TT&BVTV quan tâm hỗ trợ các địa phương về kỹ thuật sản xuất, đưa vào ứng dụng nhà lưới, nhà màng công nghệ cao từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm tăng giá trị sản phẩm rau màu của tỉnh.

Ngành nông nghiệp và các địa phương tích cực mời gọi DN gắn kết, đầu tư và thu mua các loại rau, màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao, như: Bắp non, đậu nành rau, rau dưa… Đồng thời, tiếp tục liên kết với các DN thu mua có thị trường rộng mở, như: Bách Hóa Xanh, Co.opmart, Winmart...

Đối với cây ăn trái, diện tích đến cuối năm 2023 trên địa bàn tỉnh có khoảng 20.000ha. Trong đó, diện tích trồng mới cây ăn trái theo kế hoạch chuyển đổi vụ thu đông 2023 tăng thêm khoảng 691ha, chủ yếu là xoài, mít, chuối, cây có múi, nhãn. Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các DN, như: Công ty TNHH Nông nghiệp Hoàng Phan, Công ty XNK Trái cây Chánh Thu, Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, Công ty TNHH Kim Nhung Đồng Tháp, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), Công Ty TNHH Lefarm… và các DN trong, ngoài tỉnh để giải quyết đầu ra cho nhóm cây ăn trái trong mùa thu hoạch rộ.

Đối với các địa phương có diện tích lúa, rau màu và cây ăn trái chưa có liên kết tiêu thụ, cần thống kê diện tích, sản lượng, thời điểm thu hoạch, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục TT&BVTV) để tiếp tục mời gọi DN tiêu thụ.

Trong 106.260ha lúa dự kiến xuống giống vụ thu đông 2023, huyện Thoại Sơn dẫn đầu với 37.120ha. Tiếp theo là các huyện: Châu Thành 23.461ha, Châu Phú 22.000ha, Tri Tôn 19.432ha, Phú Tân 12.256ha, Chợ Mới 9.985ha, An Phú 5.531ha, TX. Tân Châu 5.947ha, TX. Tịnh Biên 5.816ha, TP. Châu Đốc 5.078ha và TP. Long Xuyên 1.507ha.

 

NGÔ CHUẨN