Chung sức dệt mùa Xuân quê hương

10/02/2024 - 08:25

 - Về lại các xã nông thôn mới (NTM) trên vùng đất ông Thoại những ngày cuối năm, ngoài sắc Xuân của đất trời, mùa Xuân của lòng người cũng đang hiện diện. Đó là niềm hân hoan và phấn khởi khi 14/14 xã của huyện Thoại Sơn (tỉnh An Giang) đều đã “cán đích” NTM nâng cao. Đánh dấu bước ngoặt lớn cho sự phát triển, chuyển mình của vùng quê.

Sức sống mới

Chúng tôi cảm nhận diện mạo NTM nâng cao khi bước trên những con đường quê Thoại Sơn. Với thành công trong chương trình xây dựng NTM, rồi đến xây dựng NTM nâng cao, người dân nơi đây đang đón chào năm mới trong niềm vui thắng lợi. Hiện hữu bức tranh NTM là những gam màu tươi sáng. Vẫn diện tích trồng lúa chiếm đa số nhưng là lúa chất lượng cao, được canh tác bằng cơ giới, sản xuất ứng dụng công nghê cao vào nông nghiệp.

Đó còn là những vườn cây ăn trái xum xuê, xanh tốt, thay thế cho những ruộng lúa kém hiệu quả. Ấn tượng thêm là những tuyến đường hoa lung linh khoe sắc, những tuyến đường nhựa hóa mở rộng, nâng cấp phẳng lì rợp bóng cây xanh. Hay những ngôi nhà cao tầng mọc san sát nhau, trường học, trạm y tế ngày càng khang trang, hiện đại, hệ thống điện thắp sáng đường quê, tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt, an ninh chính trị ổn định.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân nâng cao năng suất

Đời sống người dân, diện mạo nông thôn đã thật sự thay đổi theo hướng hết sức tích cực. Giờ đây, các tuyến đường ở Thoại Sơn đều được mở rộng đạt chuẩn, dọc 2 bên đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Người dân cũng chí thú làm ăn và sẵn sàng tham gia đóng góp về trí lực, vật lực cùng chính quyền địa phương.

Hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới, nâng chất, tăng cường hướng về cơ sở, nắm bắt kịp thời dư luận xã hội, nhất là sự đồng thuận của Nhân dân trong thực hiện chủ trương về an sinh xã hội. Trong 930 mô hình đăng ký thực hiện, có nhiều mô hình hay, hiệu quả trong thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng NTM nâng cao, đô thị văn minh” trên địa bàn huyện được ghi nhận.

Vượt qua khó khăn

Là địa phương vùng sâu của huyện Thoại Sơn, cách đây 30 năm, xã Mỹ Phú Đông được thành lập trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Số lượng cán bộ, đảng viên ít, đa số từ nơi khác đến, chưa có điều kiện am hiểu về đặc điểm tình hình ở địa phương. Dân cư còn thưa thớt, sống rải rác theo các tuyến kênh, phương tiện đi lại chủ yếu là xuồng, đò. Việc tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hạn chế.

“Từ năm 2011, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, được sự quan tâm và tập trung chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, diện mạo nông thôn Mỹ Phú Đông ngày càng khởi sắc.

Với sự nỗ lực đó, xã Mỹ Phú Đông đã được UBND tỉnh công nhận “Xã đạt chuẩn NTM” vào năm 2018, sớm hơn lộ trình 2 năm, đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021, sớm hơn kế hoạch 1 năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn liên tục giảm qua các năm. Đến nay, hộ nghèo của xã chiếm tỷ lệ 0,96%, thu nhập bình quân đầu người trên 68 triệu đồng/người/năm” - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phú Đông Trần Văn Thơm chia sẻ.

Trải qua nhiều khó khăn, xã Bình Thành (huyện Thoại Sơn) nay đã khoác “chiếc áo” NTM nâng cao trong niềm phấn khởi của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thành Lê Hồng Dân cho biết: “Khi mới thành lập, xã còn nhiều khó khăn: Giao thông, thủy lợi, giáo dục chưa được đầu tư nhiều, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (8,9%), tình hình an ninh trật tự phức tạp. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ xã Bình Thành không ngừng lớn mạnh, lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh”.

Theo đó, kinh tế xã Bình Thành chuyển dịch theo hướng tăng trưởng nông nghiệp bền vững, chuyển đổi canh tác lúa từ 2 sang 3 vụ/năm; tổng sản lượng lương thực hàng năm tăng gần 51.000 tấn (năm 2022). Diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang rau màu hàng năm tăng 20% (đạt 35,7ha), trồng cây ăn trái 41,92ha. Giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 207 triệu đồng/ha. Xã Bình Thành đạt chuẩn NTM năm 2018, sớm hơn lộ trình 1 năm. Phát huy những kết quả đạt được, năm 2020, xã Bình Thành được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, giai đoạn 2018 - 2020.

Đồng lòng xây dựng quê hương

Trải dài trên “Cánh đồng lớn” của huyện Thoại Sơn, một “mùa vàng” bội thu đến với những người nông dân nơi đây. Điện, đường, trường, trạm, cảnh quan môi trường cùng với những chiếc cầu mới càng tô điểm cho mùa Xuân quê hương thêm rạng ngời.

Địa phương vận động 19 tỷ đồng cho nguồn Quỹ Khuyến học - Khuyến tài nhằm hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; 2.660 căn nhà được Hội Mái ấm tình thương dựng lên đã mang lại cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt đẹp. Đó là 2 trong nhiều con số ấn tượng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thoại Sơn chung sức, đồng lòng trên chặng đường xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Hoàn thiện hệ thống giao thông

Nổi bật trong phong trào xây dựng NTM vẫn là việc xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn, đây được xem là những công trình “Ý Đảng, lòng dân”. Hiện, 100% các tuyến đường giao thông liên xã từ 3,5m được mở rộng 5,5m, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương hàng hóa. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp đóng vai trò nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhiều nông dân đã chuyển đổi hàng trăm héc-ta lúa, đất kém hiệu quả sang trồng rau màu và cây ăn trái, nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, hệ thống tưới phun tự động với các loại cây ăn trái, như: Cam, chanh không hạt, bưởi da xanh…

Bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1960, ngụ ấp Trung Phú 6, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn) cho biết: “Gia đình tôi hiện đang trồng dưa lê vàng trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao, tưới phun nhỏ giọt với diện tích hơn 1.000m2. Kinh phí đầu tư nhà màng khoảng 300 triệu đồng. Hiện, dưa lê của tôi được công ty thu mua giá 30.000 đồng/kg. Nhờ áp dụng khoa học - công nghệ nên năng suất rất cao, mang lại lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm”.

Giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035, Thoại Sơn tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân theo chuẩn NTM nâng cao; từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ các tuyến đường trọng điểm, đảm bảo kết nối thông suốt hàng hóa, phương tiện, con người phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

PHƯƠNG LAN