Bảo vệ nguồn thủy sản
Để tăng cường công tác quản lý trong khai thác bảo vệ thủy sản, phát triển nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra xử lý các vi phạm về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phát động các tổ chức, cá nhân thả cá phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số nơi vẫn còn tình trạng ngư dân sử dụng xung điện, lưới kích thước mắt lưới nhỏ, hóa chất độc hại để khai thác thủy sản. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của nhiều giống loài thủy sản tự nhiên. Để tăng cường quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền những ngư dân khai thác thủy sản chấp hành đúng các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, yêu cầu các ngư dân ký cam kết không sử dụng xung điện, hóa chất để khai thác thủy sản…
Thả cá về tự nhiên, góp phần tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ảnh: THANH TIẾN
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm, 10 năm qua, đơn vị đã in và phát hành 44.550 tờ rơi, tờ bướm; treo 167 băng-rôn, 329 áp-phích… với nội dung tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các hành vi bị cấm trong hoạt động khai thác thủy sản, các loại thủy sản không khuyến khích thả phóng sinh. Tổ chức 323 lớp tập huấn Luật Thủy sản và các văn bản liên quan đến khai thác, phát triển nguồn lợi thủy sản, với 9.100 người tham dự.
Bên cạnh đó, các ngành, lực lượng chức năng tổ chức 106 đợt, kiểm tra 717 phương tiện kiểm tra. Kết quả, phát hiện 67 phương tiện vi phạm, đã xử lý vi phạm hành chính, tổng số tiền trên 420 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu 40 dynamo, 829m dây điện, 1 cục sạc điện. Những hành vi vi phạm chủ yếu, như: Sử dụng điện trực tiếp từ máy phát điện trên tàu cá để khai thác thủy sản; tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản.
Tái tạo, phát triển nguồn thủy sản
Hàng năm, UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp các ngành liên quan tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh và khu vực nơi tiếp giáp An Giang - Đồng Tháp - Cần Thơ. Đã phối hợp, tổ chức 19 đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản (2 đợt thả cá cấp khu vực, 3 đợt thả cá cấp tỉnh, 1 đợt thả cá phối hợp Cục Kiểm ngư và 13 đợt thả cá cấp huyện). Tổng cộng lượng cá thả tái tạo nguồn lợi gần 5,2 triệu con giống, tương đương trên 91.000 cá giống các loại. Các loại cá giống được thả tái tạo là các loài cá bản địa có giá trị kinh tế, gồm: Basa, bống tượng, chày, chép, cóc, chạch lấu, ét, he, hô, hú, lăng, mè hôi, mè trắng, mè vinh, thát lát cườm, tra dầu, trôi, vồ cờ, vồ đém... và một số các loài cá bản địa khác. Tổng kinh phí các đợt thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản được huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp trên 9,1 tỷ đồng.
Mới đây, Sở NN&PTNT phối hợp UBND TX. Tịnh Biên và huyện An Phú ra quân thả hơn 220.000 cá thể thủy sản về tự nhiên, như: Cá hô, cá cóc, cá mè hôi, cá chạch lấu, cá chép… Anh Nguyễn Văn Nhàn (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) chia sẻ: “Hàng tháng, gia đình tôi trích số tiền nhỏ để mua một số loài thủy sản (cá chép, cá rô non, cá lóc non, rùa, ba ba nhỏ…) thả phóng sinh, góp phần tái tạo, nguồn lợi thủy sản”.
Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản vốn có, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Thủy sản, Chỉ thị 19/CT-TTg, ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 01/1998/CT-TTg nhằm tăng cường công tác quản lý trong khai thác bảo vệ thủy sản, phát triển nguồn lợi thủy sản; các văn bản có liên quan trên địa bàn tỉnh về nghiêm cấm sử dụng xung điện, chất nổ, chất độc khai thác thủy sản đến các tầng lớp Nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương... đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các địa phương về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 19/CT-TTg, ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Bố trí nguồn kinh phí, phương tiện cho các địa phương trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng Đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân sống bằng nghề khai thác thủy sản sử dụng ngư cụ cấm, trong đó tập trung vào những hộ nghèo, không có đất sản xuất, không có nhà ở, không có vốn, công việc không ổn định. Đồng thời, kiến nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ có chính sách ưu tiên, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi cho những đối tượng chuyên sử dụng xung điện, chất độc khai thác thủy sản chuyển đổi nghề nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
THU THẢO