Chương trình “Tam nông” nâng cao đời sống người dân

17/07/2018 - 07:42

 - Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn” (gọi tắt là Chương trình “Tam nông”), tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT) huyện Châu Thành có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất (SX), cải thiện đời sống vật chất và tinh thần người dân ở khu vực NT, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng cho biết: những năm qua, huyện Châu Thành đã triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “Tam nông”, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương. Qua 10 năm thực hiện, huyện đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trên nhiều mặt, như: SXNN phát triển theo hướng SX hàng hóa; năng suất, sản lượng lương thực và chất lượng sản phẩm nông sản không ngừng tăng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; kết cấu hạ tầng NT được quan tâm xây dựng; chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm…

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Cù Minh Trọng trao đổi với nông dân vùng trồng rau màu trong nhà lưới ở xã Bình Thạnh

Phát huy thế mạnh NN, huyện Châu Thành tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp trọng tâm tái cơ cấu NN theo hướng bền vững. Trong đó, chú trọng xây dựng các vùng chuyên canh SX tập trung với những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với từng vùng, từng địa phương và biến đổi khí hậu mang lại giá trị kinh tế cao… Bên cạnh đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào SX, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, huyện còn tăng cường tuyên truyền, vận động ND chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và cây ăn trái, nhằm tăng vòng quay của đất, nâng cao giá trị SX NN.

“Không chỉ quan tâm tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Châu Thành còn tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng hiệu quả kinh tế và bền vững. Huyện tạo mọi điều kiện, hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm NN ứng dụng công nghệ cao…”- ông Cù Minh Trọng chia sẻ.

Huyện đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động sức dân tham gia thực hiện công trình xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng nhiều hình thức, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần tạo nên bức tranh NN, ND, NT của huyện vùng ven đô khởi sắc.

Đến nay, huyện đã đạt 6/19 tiêu chí và 24/49 chỉ tiêu xây dựng NTM; tốc độ tăng trưởng khu vực nông - lâm - thủy sản bình quân toàn huyện đạt 4,16%; giá trị SX nông - lâm - ngư nghiệp (giá trị hiện hành) năm 2017 đạt gần 5.944 tỷ đồng; giá trị SX trồng trọt đạt trên 121 triệu đồng/ha, tăng gần 57 triệu đồng/ha so năm 2008.

Toàn huyện có trên 83.512ha đất SXNN, trong đó có 2.770ha SX hoa màu, còn lại SX lúa. Trên cơ sở hình thành các vùng SX tập trung “Cánh đồng lớn”, với diện tích 4.784ha và đang mở rộng và hình thành vùng SX rau màu an toàn ở xã Bình Thạnh.

Hệ thống cầu, đường giao thông NT được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư, sửa chữa, đặc biệt công tác xã hội hóa được Nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài việc đầu tư nâng cấp, xây dựng mới các công trình cầu, đường trên các tuyến giao thông liên huyện theo kế hoạch hàng năm, giao thông NT luôn được quan tâm đầu tư. 10 năm qua, huyện đã đầu tư mở mới 48,87km và nâng cấp 191,26km lộ NT.

Các xã, thị trấn đã kết hợp làm đê bao với lộ giao thông NT, vận động Nhân dân đóng góp để rải cát trên 258km đường; cất mới và sửa chữa 68 cầu, 50km đường NT. Các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, giáo dục, y tế, an sinh xã hội… đều có những chuyển biến tích cực.

Ông Cù Minh Trọng nhấn mạnh, để phát triển chương trình “Tam nông” ổn định và bền vững, thời gian tới, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong NN phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM ở các xã điểm; khuyến khích ND ứng dụng rộng rãi khoa học - kỹ thuật vào SX.

Huyện tập trung củng cố, nâng cao năng lực các hợp tác xã, tổ hợp tác, các tổ liên kết giữa ND với ND, giữa ND với doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho lao động NT. Ngoài ra, mở rộng diện tích “Cánh đồng lớn”, phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp an toàn sinh học, nâng diện tích SX lúa giống chất lượng cao..., góp phần phục vụ tốt cho SXNN và đời sống vật chất, tinh thần người dân, nhất là người dân sinh sống khu vực NT…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích