Chuyện người lưu lại mùa nước nổi

12/07/2024 - 06:13

 - Qua bao mùa nước nổi trên dòng Mekong hùng vĩ, chú I Sa (65 tuổi, ngụ khóm Hà Bao 1, thị trấn Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang) đều lưu lại mực nước lũ dưới sàn nhà của mình. Mỗi khi, du khách tham quan thánh đường Darul Eih San soi bóng bên dòng sông Hậu sẽ biết được mùa nước nổi lên, xuống từng năm.

Lưu mực nước trên nống (trụ) đá

Về thăm làng Chăm Đa Phước, chúng tôi hỏi nhà chú I Sa, ai cũng chỉ dẫn nhiệt tình. Nằm cặp dòng sông Hậu hiền hòa, căn nhà sàn chú I Sa được du khách quốc tế biết đến, bởi địa chỉ trưng bày nghề dệt thổ cẩm độc đáo lưu truyền ngót trăm năm.

Sáng sớm, dưới sàn nhà chú I Sa rộn ràng tiếng cười nói, huyên thuyên của du khách nước ngoài, phiên dịch và đồng bào dân tộc thiểu số Chăm. Từ lâu, bà con nơi đây rất tinh tế trong chuyện buôn bán sản phẩm dệt thổ cẩm, nên cách giao tiếp và ứng xử của họ luôn gây ấn tượng sâu sắc.

Thuở trước, chú I Sa chuyên buôn sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống với chiếc ghe lườn bằng gỗ trên sóng nước. Đối với bà con làng Chăm, dòng sông, bến nước được xem là nơi giao thương quen thuộc. Năm nào cũng vậy, mực nước lũ lên đến đâu, chú I Sa đều dùng bút lông ghi lại số năm làm dấu rõ ràng trước căn nhà sàn vượt lũ. Tháng 6 (âm lịch), dòng nước Mekong dùng dằng chuyển mình ngầu đục, những đám lục bình trôi bập bềnh báo hiệu mùa lũ sắp về.

Theo dân gian truyền miệng, “năm Thìn” thì lũ lớn. Nghi ngờ câu nói đó, chúng tôi tìm nguồn tư liệu, nghiên cứu về “năm Thìn” thì quả thật cách đây 120 năm ở vùng ĐBSCL từng xảy ra trận lũ lụt rất lớn. Từ dạo đó đến nay, theo chu kỳ cứ “rơi” vào “năm Thìn”, người dân sợ lũ lớn là vậy!

Năm 2000, đỉnh lũ được xác lập rất cao

Tuy nhiên, những năm qua do tác động từ các con đập thủy điện khổng lồ ngăn dòng lũ thượng nguồn nên dòng lũ lớn, nhỏ bất thường. Chuyện lũ lớn theo chu kỳ của tạo hóa đã bị phá vỡ bởi chính bàn tay con người. Đứng bên căn nhà sàn ngắm nhìn cây nống đá, xem mực nước lũ lên xuống theo từng năm, chú I Sa tặc lưỡi, chỉ nghe những người lớn tuổi kể lại, “năm Thìn bão lụt” diễn ra cách đây 120 năm.

Lúc này, chú I Sa chưa sinh ra nên không rành những biến cố thời bấy giờ. Nhưng chú I Sa nhớ như in năm 2000 là năm Canh Thìn xuất hiện trận lũ kỷ lục. “Cây nống đá sàn nhà tôi còn làm dấu lưu lại. Ngôi nhà này, tính từ nền đất lên tới mặt sàn nhà cao gần 3m, vậy mà đỉnh lũ vượt lên tận cột. Nước ngập lều bều, phải kê sàn nhà cao hơn để ở” - chú I Sa giải thích.

Thuận theo mùa lũ

Lâu nay, đồng bào Chăm thành thạo nghề đi ghe trên sông nước, với các hoạt động đánh bắt thủy sản và giao thương hàng hóa. Do đó, bà con sống thích nghi môi trường mùa nước lũ theo từng năm.

Dù lũ cao hay thấp, đồng bào Chăm vẫn “ứng xử” dung hòa theo con nước. Thậm chí, họ còn tận dụng mùa nước lũ để đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất tại thời điểm năm 2000 lũ quá cao khiến biết bao gia đình “vật lộn” với thiên tai, sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”.

“Hồi đó, lũ ngập đường sá, ngập cả nóc nhà, nước chảy cuồn cuộn. Ngoài ra, chứng kiến học sinh xắn quần lội nước bì bõm đến trường té ướt cả tập, sách rất tội. Các hoạt động đi lại, người dân sử dụng phương tiện ghe, xuồng” - chú I Sa nhớ lại.

Theo kinh nghiệm lâu năm theo dõi từng mùa lũ, chú I Sa cũng chưa lý giải được mỗi khi đến “năm Thìn” thì tạo hóa đã ban tặng cho con người nguồn lũ bất tận. Ngày đó, lũ lớn người dân xem đó là “thiên tai, địch họa”, gây biết bao khốn khó.

Thế nhưng, lũ lớn được xem là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, không nơi nào có được. Lũ về, vừa vệ sinh đồng ruộng, bồi đắp phù sa, vừa mang nguồn lợi thủy sản phong phú, tạo sinh kế cho bà con. “Lũ lớn, cá nhiều lắm. Trước nhà tôi ngập lút đầu, cá linh, cá mè vinh… nhiều vô kể. Mang chài quăng xuống, cá dính đầy” - chú I Sa cho hay.

Đến năm 2002, đỉnh lũ cũng khá cao, nhưng thấp so năm 2000. Từ đó đến nay, lũ giảm dần qua từng năm. Ông Sa Li Man (hàng xóm với chú I Sa) nói rằng, bà con ở đây cất hơn 400 căn nhà sàn sống chung với lũ. Cho dù lũ cao tới đâu, đồng bào Chăm vẫn kê cao nhà cửa để ở. Từ năm 2000 trở về sau thì lũ hạ dần. Thậm chí, có năm lũ không ngập được mặt sân.

Chỉ tay về một góc nhà, chú I Sa cho biết, năm vừa rồi (2023), nước lũ không ngập tới nền đất. “Lũ quê mình có lúc hiền hòa, không lên nhanh như lũ miền Trung. Mỗi đêm, nước chỉ lên vài phân. Do đó, bà con chủ động kê cao nhà cửa ở an toàn. Hình ảnh lũ quen thuộc, năm nào lũ thấp, bà con lại buồn. Lũ về, bà con tranh nhau mua ngư cụ khai thác cá, tôm, thu nhập rủng rỉnh”- chú I Sa tâm sự. 

Nhớ những năm lũ lớn, nước ngập lênh đênh, bông điên điển sau nhà chú I Sa trổ vàng rực. Những chiếc xuồng cui chở khách lũ lượt ghé thăm làng Chăm. Họ tấm tắc khen những chiếc khăn tay, khăn choàng, xà-rông được dệt thêu hoa văn sặc sỡ.

“Khoảng tháng 8 hàng năm, xuồng chèo chở du khách quốc tế nối đuôi đến ngôi nhà của tôi đông lắm. Lúc đó, sản phẩm dệt thổ cẩm của đồng bào Chăm làm ra bán rất chạy” - chú I Sa bày tỏ.

Nhờ trưng bày sản phẩm truyền thống dệt thổ cẩm, gia đình chú I Sa có “đồng vô, đồng ra”, nuôi các con khôn lớn, ăn học đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định. Giờ đây, lũ nhỏ dần qua từng năm, chuyện buôn bán sản phẩm dệt thổ cẩm gia đình chú I Sa ế dần.

Chia tay làng Chăm Đa Phước, chú I Sa nói với theo, dự đoán lũ năm nay lên mạnh vào khoảng đầu tháng 9. Thời gian này, du khách trong và ngoài nước đến làng Chăm tham quan du lịch sẽ được ngắm lũ ngập đỏ quạch trên dòng sông Hậu.

Ông Trần Văn Tú (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh tham quan sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống đồng bào Chăm) bày tỏ: “Tôi đến làng Chăm Đa Phước lần đầu tiên. Mặc dù lũ chưa lên, nhưng nhìn cây trụ nhà của ông I Sa ghi lại mực nước lũ, mình mới biết được lũ lên cao như vậy. Đây là hình ảnh rất thú vị, khi về tôi sẽ kể lại cho con cháu nghe về chuyện ông I Sa ghi lại mực nước lũ độc lạ ở miền Tây”.                   

 

LƯU MỸ