Cử tri Ninh Bình mong được quan tâm nhiều hơn đến an sinh xã hội

12/11/2021 - 19:03

Sáng 12-11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng, đa phần cử tri Ninh Bình bày tỏ niềm vui, phấn khởi trước những đổi mới không ngừng của các kỳ họp Quốc hội trong thời gian gần đây, đặc biệt là các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

Cử tri tỉnh Ninh Bình cho rằng, các phiên chất vấn diễn ra tại kỳ họp có chất lượng, đi đúng trọng tâm các vấn đề mà cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm hiện nay như: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các chính sách bảo vệ sức khỏe người dân, chia sẻ đa chiều giữa Nhà nước và nhân dân để vượt qua khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra; các giải pháp phục hồi thị trường lao động; việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; phát triển kết cấu hạ tầng...

Thủ tướng Chính phủ thẳng thắn trả lời các vấn đề và nêu các giải pháp

Về phần trao đổi, trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sáng 12/11, cử tri Phạm Minh Khai, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình cho rằng, Thủ tướng đã thẳng thắn nhìn nhận những việc đã làm được, cũng như tồn tại, hạn chế thời gian vừa qua trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, giải quyết an sinh xã hội, việc làm cho người dân, phát triển kết cấu hạ tầng... 

Chú thích ảnh

Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đơn cử như nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (tỉnh Vĩnh Long) về các giải pháp cũng như các gói hỗ trợ cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng cho rằng, việc dịch chuyển của thị trường lao động, quản lý nhà nước còn sơ hở, việc người lao động dịch chuyển từ các thành phố lớn về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua đã gây áp lực cho các tỉnh này. Về vấn đề này, Trung ương và các địa phương cần phối hợp, xem xét lại về năng lực kinh tế; chỉ đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư có giải pháp hỗ trợ, trước hết là các biện pháp nâng cao năng lực kinh tế cho các tỉnh này. Đồng thời, cần tăng cường năng lực cung cấp vaccine cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đi đôi với thực hiện các chính sách an sinh xã hội; kêu gọi hỗ trợ từ các thành phần kinh tế khác. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, tạo việc làm cho người lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là biện pháp căn cơ trong thời gian tới, trong đó phải cởi bỏ được nút thắt về hạ tầng như giao thông, chống biến đổi khí hậu, phát triển y tế, giáo dục; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này, từ đó tạo việc làm cho người dân...

Cử tri Phạm Minh Khai cũng đồng tình quan điểm trước những nội dung Thủ tướng Chính phủ trả lời các vấn đề liên quan đến giải pháp xây dựng kết cấu hạ tầng; các chính sách hỗ trợ người lao động và người dân; các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới; lộ trình mở cửa trở lại trường học trong năm 2021; đẩy nhanh đầu tư công; chính sách tín dụng ưu đãi phát triển dân tộc trong năm 2021...

Cử tri mong muốn các chính sách, kế hoạch, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đề ra tại các phiên chất vấn sẽ sớm được áp dụng để nền kinh tế sớm được phục hồi và phát triển trong tình hình mới. Từ đó đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm cho người lao động.
 
Chỉ ra cách tiếp cận, phục hồi nền kinh tế

Chú thích ảnh

Quang cảnh phiên họp sáng ngày 12-11. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Đối với phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 12/11, cử tri Hoàng Thị Liên, phố Ngô Quyền, thành phố Ninh Bình cho rằng, các nội dung chất vấn được các đại biểu nêu ngắn gọn, dễ hiểu, đi thẳng vào vấn đề. Nội dung trả lời của Bộ trưởng thể hiện tự tin, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Tâm đắc với nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) về cách tiếp cận xây dựng các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế, cử tri Hoàng Thị Liên cho rằng, câu hỏi của đại biểu được doanh nghiệp và người lao động đặc biệt quan tâm trong thời gian này, bởi đại dịch COVID-19 đã tác động trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống sinh kế của người lao động.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉ ra nhiều vấn đề cốt lõi, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 trong nhân dân và khả năng cung ứng về thuốc điều trị khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới"; vừa hỗ trợ để phục hồi nhanh trong ngắn hạn, vừa kết hợp lồng ghép với các chiến lược và các kế hoạch 5 năm trong dài hạn; các chính sách phải bảo đảm các mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế như an toàn tài chính quốc gia, hoạt động ổn định của các tổ chức tín dụng, các chỉ tiêu về nợ công, lạm phát... Cùng với đó, phải xác định được các nhóm nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hiệu quả, đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình...

Theo ĐỨC PHƯƠNG (Báo Tin Tức)