Cùng cộng đồng quốc tế phòng, chống dịch bệnh

27/12/2023 - 08:08

Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết A/RES/75/27, lấy ngày 27/12 hằng năm là 'Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh' nhằm tăng cường nhận thức về phòng, chống dịch bệnh, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này và là nghị quyết do Việt Nam đề xuất. Đáng chú ý, Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh được thông qua trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, khi tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do hậu quả của Covid-19. Với sự nỗ lực của các quốc gia, các tổ chức quốc tế, thế giới đã có những bước tiến trong việc tìm hiểu về vi-rút gây bệnh; sản xuất, sử dụng vắc-xin phòng bệnh Covid-19 và thuốc kháng vi-rút điều trị bệnh nhân.

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, phù hợp các giải pháp chống dịch. Dịch Covid-19 đã được ngăn chặn, đẩy lùi và kiểm soát hiệu quả, góp phần quan trọng và tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao. Từ ngày 20/10/2023, Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A được chuyển sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Đáng chú ý, không chỉ thành công trong phòng, chống dịch Covid-19, những năm qua Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về phòng, chống các bệnh mới nổi như: MERS-CoV, Ebola, cúm A/H7N9, cúmA/H5N1, cúm A/H5N6... Đặc biệt, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế công nhận thanh toán bệnh bại liệt năm 2000; loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2002 và hướng tới loại trừ bệnh sởi thời gian tới.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão, đô thị hóa... tạo thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan và bùng phát, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập, lây lan trong nước. Với phương châm phòng bệnh “từ sớm, từ xa”, Bộ Y tế đang tiếp tục hoàn thiện các hướng dẫn chuyên môn như:

Hướng dẫn giám sát Covid-19; hướng dẫn giám sát và phòng chống các bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, đậu mùa khỉ; hướng dẫn phân vùng dịch tễ các bệnh do ký sinh trùng thường gặp; hướng dẫn giám sát dựa vào sự kiện; hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Ngành y tế chuẩn bị các nguồn lực cần thiết để xử lý kịp thời dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện tại cộng đồng.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm 2023, đồng thời chủ động phòng, chống các dịch đang lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng..., nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cảm cúm, viêm phổi, viêm phế quản, hen phế quản, lao phổi... có nguy cơ lây lan và bùng phát, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo chính quyền bảo đảm kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, xã hội trong phòng chống dịch bệnh trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị chuyên môn triển khai các hoạt động phòng chống dịch...

Ngành y tế các địa phương cần theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.

Tổ chức giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện nhằm phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng và tử vong; phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur khu vực, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình gen phát hiện sớm các biến thể mới, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp; phối hợp ngành nông nghiệp giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm để xử lý triệt để, kịp thời với mục tiêu không để dịch bệnh lây từ động vật sang người.

Để góp phần hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, từng người dân cần thực hiện nghiêm nội dung khuyến cáo ngành y tế đề ra trong công tác phòng chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19 như: đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà-phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân; thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm...

Theo Nhân Dân