Đa dạng cây trồng trên vùng đất núi

02/03/2022 - 05:11

 - Có diện tích đất rộng khoảng 2ha nằm cạnh suối Thanh Long, thuộc núi Cấm (ấp Thiên Tuế, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), ông Ngô Thanh Bình phân vân mãi chưa tìm được loại cây trồng thích hợp. Vậy là sau thời gian nghiên cứu, tham khảo, tìm hiểu, ông Bình mạnh dạn phát triển cây măng tây xanh trên diện tích 5.000m2, tận dụng nguồn nước từ suối Thanh Long để canh tác.

Nhờ tham quan, học hỏi kinh nghiệm, ông Ngô Thanh Bình (bìa phải) đã mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình măng tây xanh trên đất vườn nhà

Theo ông Bình, trước đó ở xã Tân Lợi (huyện Tịnh Biên) đã có mô hình trồng măng tây xanh của ông Hồ Xuân Nghiệp phát triển hiệu quả, hoàn toàn thích hợp với vùng đất khô cằn như vùng Bảy Núi. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, thấy ông Nghiệp có bán cây măng tây giống nên ông Bình quyết định đầu tư để canh tác thử nghiệm trên diện tích 5.000m2.

Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông Bình rất chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác, từ làm đất, đến chăm sóc, bón phân, tưới nước… Điều phấn khởi nhất là cây măng tây xanh chịu được khí hậu và thổ nhưỡng ở vùng đất núi. Vườn măng tây xanh của ông Bình phát triển tươi tốt, chỉ sau khoảng 8 tháng trồng đã bắt đầu cho thu hoạch.

Ông Bình cho biết, những ngày đầu khi măng tây mới cho thu hoạch thì sản lượng chưa nhiều, trung bình khoảng 5-6kg/ngày. Sau đó tăng lên, có ngày thu hoạch được khoảng 20kg. Với số lượng măng tây xanh thu hoạch được, ông Bình vừa bán lẻ, vừa bỏ mối sỉ cho các tiểu thương ở chợ Tri Tôn, chợ Chi Lăng, chợ An Hảo, chợ Ba Chúc… với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg.

“Thời điểm măng tây xanh cho thu hoạch rơi vào khoảng thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, ít nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ. Tuy nhiên, nhờ người tiêu dùng ưa chuộng và cũng bán được ở các chợ địa phương nên không bị tồn đọng và mất giá, đó là điều may mắn so với nhiều loại nông sản khác” - ông Bình chia sẻ.

Theo ông Ngô Thanh Bình, cây măng tây xanh nói dễ trồng cũng không phải, còn nói khó trồng cũng không đúng, quan trọng nhất là phải am hiểu đặc tính sinh trưởng thì việc canh tác sẽ thuận lợi, có năng suất hơn. Đối với cây măng tây xanh, đất trồng và nước tưới rất quan trọng. Măng tây xanh là loại cây ưa nước, muốn cây phát triển nhanh, ra măng nhiều phải đảm bảo được nguồn nước.

Tuy nhiên, đất trồng phải là loại thoát nước tốt, không được để ngập sẽ gây ún, chết cây. Diện tích đất của ông Bình thuận lợi là nằm cặp suối Thanh Long nên vào những tháng mưa có thể tận dụng được nguồn nước suối, trữ vào bồn để tưới. Còn vào những tháng mùa nắng, măng tây xanh của ông Bình không lo khô hạn vì có được nguồn nước dự trữ trên hồ Thanh Long gần đó.

“Nhờ có nước suối, nước hồ nên chỉ cần làm ống dẫn nước về bồn trữ lại là có thể sử dụng. Bên cạnh đó, kết hợp với hệ thống tưới nhỏ giọt nên cây măng tây vừa được cung cấp nước thường xuyên, vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất” - ông Bình giải thích.

Ông Bình cho biết thêm, cây măng tây xanh có thể cho thu hoạch lai rai quanh năm, tùy vào kỹ thuật chăm sóc của nhà nông. Tuy nhiên, đối với vườn măng tây xanh của mình, ông Bình thường cho thu hoạch rộ trong 3 tháng, sau đó sẽ tạm ngưng để tỉa cây, thêm đất, bón phân. Kỹ thuật này nhằm cung cấp thêm dưỡng chất, giúp cây măng tây xanh cho năng suất và chất lượng cao hơn.

Trong suốt quá trình canh tác, ông Bình nghiên cứu sử dụng các loại phân bón hữu cơ, như: Phân bò, các chế phẩm từ đậu nành ủ… Bên cạnh đó, nhờ khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp nên chất lượng măng tây xanh của vườn ông Bình được người tiêu dùng ưa chuộng vì có độ giòn, ngọt tự nhiên.

Để măng tây xanh đạt được độ giòn, ngon, ngọt khi đưa ra thị trường, ngoài kỹ thuật canh tác, ông Bình còn có kỹ thuật thu hoạch riêng. Mỗi ngày, vườn măng tây xanh của ông Bình thường được thu hoạch từ rất sớm, bắt đầu từ 3-6 giờ sáng là xong, nhanh chóng vận chuyển đi bán lẻ, cân cho mối ở các chợ.

“Thời tiết ở đây nắng sớm nên phải thu hoạch trước khi nắng lên thì cây măng tây mới giòn, ngon. Với lại, mỗi ngày mỗi thu hái như vậy, ra chợ bán liền cho người tiêu dùng, họ rất thích vì được ăn đồ tươi mới” - ông Bình cho hay.

Ngoài vườn măng tây xanh và cây ăn trái ở ấp Thiên Tuế, ông Bình còn có khoảng 2ha đất ở ấp Tà Lọt khá thuận lợi để phát triển mô hình trồng măng tây xanh. Tuy nhiên, đối với một diện tích lớn, ngoài chuyện đầu tư vốn cao thì việc lo đầu ra cho sản phẩm rất quan trọng. Do vậy, ông Bình đang tìm kiếm, kết nối các đầu mối tiêu thụ trước khi đầu tư mở rộng thêm diện tích măng tây xanh.

“Một mô hình vài công đất mình còn có thể thu hoạch ra bán chợ, nhưng vài chục công thì phải lo chuyện liên kết đầu ra mới yên tâm phát triển. Nếu có được đầu ra ổn định, tôi sẵn sàng đầu tư để phát triển. Tính ra, sau 3 tháng thu hoạch, với giá bán và năng suất hiện tại, có thể thu được lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng, cũng khá ổn định”- ông Bình phấn khởi.

Ngoài diện tích măng tây xanh, ông Ngô Thanh Bình còn đầu tư trồng thêm 15.000m2 trồng các giống sầu riêng: Thái Lan, Malaysia, Ri6 và ổi Ruby ruột hồng.

ÁNH NGUYÊN