Đảm bảo an sinh xã hội

03/08/2020 - 07:13

 - Từ đầu năm đến nay, trong bối cảnh trong nước và địa phương gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ngành lao động – thương binh và xã hội đã chủ động và tích cực triển khai các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch, đảm bảo an sinh xã hội là nền tảng cho sự phát triển chung của tỉnh.

Duy trì ổn định đời sống

Về công tác giáo dục nghề nghiệp, toàn tỉnh đã tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp gần 3.200 người, chủ yếu học trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên. Ước thực hiện 6 tháng đầu năm, tuyển sinh đào tạo khoảng 6.250 người ở cấp trình độ ngắn hạn (đạt 25% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, có 132 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, chủ yếu tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Sở LĐ-TB&XH đã tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp (DN), đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các kế hoạch triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; điều hành an sinh theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 từng quý còn lại của năm; triển khai Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Chi trả chế độ theo quy định đến tận nhà các đối tượng thụ hưởng chính sách

Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết An Giang và UBMTTQVN tỉnh cấp tiền hỗ trợ cho người bán vé số thuộc diện khó khăn trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, triển khai kinh phí hỗ trợ 1.000 hộ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 từ Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T tài trợ. Sở còn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các địa phương đã hỗ trợ cho 89.500 người thuộc các đối tượng trên với tổng kinh phí chi trả 101,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, các nhiệm vụ thường xuyên như chăm lo cho người có công, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, an toàn lao động, bảo hiểm xã hội, bảo vệ trẻ em, công tác bình đẳng giới… cũng được ngành nỗ lực thực hiện. Các việc làm luôn bám sát chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, tăng cường công tác tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong năm cuối của giai đoạn 2016-2020.

Phấn đấu các nhiệm vụ cuối năm

Hiện nay, hoạt động của DN, tình hình lao động, việc làm đều bị tác động bởi dịch bệnh COVID-19. Qua khảo sát, có khoảng 57 DN (ngành nghề chế biến thủy sản, rau quả thực phẩm, du lịch, nhà hàng, khách sạn, may mặc, vận tải…) bị ảnh hưởng dịch bệnh. Hơn 23.200 người bị ảnh hưởng thu nhập và việc làm do DN tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng… Ngoài ra, có 31 DN đề nghị tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, Quỹ hưu trí và tử tuất đối với 1.556 lao động. Cùng với đó, công tác giáo dục nghề nghiệp, bảo trợ xã hội, bảo vệ, chăm sóc trẻ em… cũng bị ảnh hưởng do tình hình dịch bệnh.

Đến nay, các hoạt động tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp chưa được triển khai. Một số hoạt động của công tác lao động, người có công và xã hội cũng bị “kéo theo” chậm triển khai, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ và kế hoạch ngành đề ra trong năm.

Phấn đấu duy trì việc làm ổn định cho lao động và xúc tiến công tác đào tạo nghề đạt kế hoạch

Trên cơ sở những việc đã làm được và phân tích khó khăn từ tình hình thực tế, 6 tháng cuối năm, bên cạnh các nhiệm vụ thường xuyên, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục theo dõi, cập nhật, triển khai, báo cáo kịp thời về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Sở đang đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đẩy nhanh tiến độ tuyển sinh học nghề đạt chỉ tiêu kế hoạch năm cũng như giám sát công tác đào tạo nghề nghiệp năm 2020. Đảm bảo cho công tác lao động - việc làm, sở tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ; phối hợp các ngành liên quan nắm tình hình lao động, việc làm trong các DN; tăng cường công tác quản lý lao động, an toàn vệ sinh lao động.

Đồng thời, tập trung vào một số việc trọng tâm như: tuyên truyền pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong DN; duy trì tổ chức thực hiện hiệu quả sàn giao dịch việc làm; chủ động các biện pháp phòng ngừa và giải quyết kịp thời tranh chấp lao động. Còn với công tác giảm nghèo và an sinh xã hội, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19 và các kế hoạch của tỉnh thực hiện chương trình giảm nghèo, phát triển nghề, chi trả chính sách bảo trợ xã hội qua hệ thống bưu điện…

MỸ HẠNH