Quy hoạch lại cây trồng
Năm 2019, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 3,45%. Để đảm bảo theo kịch bản tăng trưởng, ngành trồng trọt phải đạt giá trị sản xuất (GO) tăng thêm 628 tỷ đồng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng, đặt chỉ tiêu cho từng ngành hàng gồm: lúa (GO tăng 223 tỷ đồng), xoài (GO tăng 540 tỷ), rau, màu (GO tăng 260 tỷ đồng) và tăng 40 tỷ đồng từ các loại cây trồng khác. Giá trị tăng này sẽ bù đắp cho diện tích nếp giảm 24.000ha (chuyển sang lúa, tương đương GO giảm 435 tỷ đồng).
Trái cây mang lại giá trị tăng cao cho ngành trồng trọt
Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV An Giang Nguyễn Văn Hiền cho biết, năm 2019, tổng diện tích gieo trồng lúa khoảng 620.000ha, gồm: 233.902ha vụ đông xuân, 230.247ha vụ hè thu, 152.292ha lúa thu đông và 3.500ha lúa mùa. Với năng suất bình quân dự kiến đạt 6,38 tấn/ha, tăng 0,08 tấn/ha so năm 2018, GO dự kiến tăng 223 tỷ đồng. Tuy nhiên, mục tiêu này không dễ đạt được khi giá lúa vụ đông xuân vừa qua và vụ hè thu hiện nay giảm từ 800 - 1.000 đồng/kg so vụ trước. Kỳ vọng tăng trưởng mạnh được đặt vào cây xoài khi năm nay, có thêm 1.528ha xoài (trồng mới năm 2017) sẽ cho thu hoạch. Với sản lượng tăng thêm 27.500 tấn, GO xoài có thể tăng 540 tỷ đồng. Kịch bản này là có cơ sở khi hiện nay, ngoài thị trường Trung Quốc, xoài An Giang đã xâm nhập được vào những thị trường khó tính như: Úc, Hàn Quốc và mới đây là Hoa Kỳ.
Đối với rau ăn lá và rau dưa các loại, thực hiện kế hoạch chuyển đổi theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND của UBND tỉnh, năm 2019, các địa phương sẽ chuyển 1.800ha lúa kém hiệu quả sang cây màu, 1.233ha sang trồng rau dưa, giúp GO ngành hàng này tăng 260 tỷ đồng. Đối với các loại cây ăn trái khác như: cây có múi, nhãn, chuối… hiện đạt diện tích 2.239ha, trong đó diện tích cho trái là 1.079ha, diện tích thu hoạch năm 2019 khoảng 640,5ha, tương đương sản lượng 2.000 tấn, giúp giá trị tăng thêm 40 tỷ đồng.
Cần quyết tâm cao
Ông Nguyễn Văn Hiền cho rằng, trong bối cảnh lúa gặp bất lợi về giá, cần tập trung cải thiện năng suất, chất lượng. Nhằm đảm bảo năng suất tăng thêm 0,08 tấn/ha, các địa phương cần quan tâm chỉ đạo xuống giống tập trung đúng lịch thời vụ khuyến cáo. Đối với vụ thu đông 2019, xuống giống tập trung từ ngày 15-7 đến 30-8, kiên quyết không xuống giống ở những vùng ngoài đê bao. Đồng thời, triển khai, vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật như: chương trình IPM, “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, công nghệ sinh thái, tưới tiết kiệm nước, sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả… Về cơ cấu giống lúa, cần tuyên truyền, khuyến cáo nông dân chọn những giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương và gắn với ký kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, đảm bảo cơ cấu 1 giống không quá 20% diện tích gieo trồng. Các địa phương cần củng cố các ban chỉ đạo, ban điều hành, tổ giúp việc về phòng, chống dịch hại, thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình hình sản xuất và dịch hại để kịp thời phát hiện, xử lý, không để xảy ra dịch hại trên diện rộng. Song song đó, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân thực hiện các mô hình trình diễn giảm lượng giống gieo sạ, sản xuất theo tiêu chuẩn SRP, sản xuất hữu cơ, an toàn sinh học…
Đối với nhóm cây ăn trái, dù có giá trị cao nhưng khi triển khai trồng mới phải gắn với quy hoạch của địa phương, cần hỗ trợ nông dân cập nhật các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn, VietGAP, đảm bảo chất lượng sản phẩm, năng suất ổn định. Cùng với đó là xúc tiến thị trường, mời gọi các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết sản xuất, đầu tư vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Đối với rau, màu, tỉnh tập trung phát triển sản xuất có hiệu quả các vùng chuyên canh trọng điểm như: Kiến An (Chợ Mới), Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên), Bình Thủy (Châu Phú), Bình Thạnh (Châu Thành), Châu Phong (TX. Tân Châu)… Đồng thời, tổ chức sản xuất an toàn, chất lượng, triển khai sản xuất trong nhà lưới, nhà màng nhằm hạn chế sâu bệnh...
Ông Hiền cho rằng, một trong những vấn đề mấu chốt giúp ngành trồng trọt tăng trưởng ổn định là liên kết đầu ra. Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh cần tăng cường công tác dự báo thị trường để nông dân yên tâm sản xuất; đồng thời xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản, thông tin về sản lượng, thời gian và tiêu chuẩn cần thiết để phục vụ xuất khẩu...
“Hiện nay, đa số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa chủ động trong việc điều tiết, nắm chắc vùng nguyên liệu, chưa mạnh dạn ký kết tiêu thụ với doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải tăng cường củng cố hoạt động hợp tác xã, tổ hợp tác để làm đầu mối gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong tiêu thụ nông sản” - ông Nguyễn Văn Hiền đề xuất
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN