Danh hiệu “Gia đình văn hóa” nên trở thành dĩ vãng

28/10/2021 - 05:08

 - Đó là ý kiến của nhiều người, khi xem xét lại ý nghĩa của danh hiệu “Gia đình văn hóa” trong đời sống hiện nay. Có lẽ, danh hiệu ấy đã đến lúc phải ngừng lại, thay thế cho sự khen thưởng, ghi nhận khác phù hợp hơn, thực chất hơn.

Theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP, để được xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”... cần phải đảm bảo 2 nội dung lớn. Một là, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng; pháp luật của nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú. Hai là, gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. Ở mỗi nội dung lại kèm theo nhiều tiêu chí nhỏ.

Hàng chục năm nay, danh hiệu ấy đã trở nên phổ biến, vì hầu như nhà nào cũng được xét chọn là “Gia đình văn hóa”. Đại trà đến mức, người ta không còn quý trọng danh hiệu ấy. Ở An Giang, toàn tỉnh công nhận 508.587 hộ gia đình văn hóa (đạt 93,6% so tổng số hộ); 867 khóm/ấp văn hóa (đạt 97,63% so tổng số khóm, ấp).

Một cán bộ từng phụ trách phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp huyện chia sẻ: “Chỉ riêng việc ký xác nhận danh hiệu từ cấp dưới đưa lên cũng rất mất thời gian. Ký tay riết chịu không nổi, buộc lòng phải khắc con dấu chữ ký, văn phòng nhìn theo danh sách, đối chiếu giấy chứng nhận rồi đóng dấu vào. Mỗi năm mỗi làm, tốn kém đủ thứ, sau đó thay đổi bằng việc 5 năm mới công nhận 1 lần. Rõ ràng, danh hiệu ấy đã trở nên đại trà, không thiết thực nữa”.

Tuyên truyền lối sống văn hóa, đạo đức đến từng hộ gia đình. Ảnh:  TRUNG HIẾU

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trương Bá Trạng bày tỏ sự đồng tình: “Danh hiệu “Gia đình văn hóa” thật sự mang lại lợi ích cho việc xây dựng đời sống văn hóa, đạo đức của người dân, cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện lâu dài, các danh hiệu mang tính phong trào, chạy theo hình thức, dần bị giảm sút ý nghĩa, không còn thật sự là danh hiệu nữa.

 Bên cạnh đó, nội hàm “văn hóa” trong các danh hiệu này không phản ánh hết tính tiêu biểu của 1 gia đình, làng xã, đơn vị hành chính. “Văn hóa” không phải là những cái cụ thể để phân biệt “gia đình này thực hiện đúng chủ trương của nhà nước có nghĩa là có văn hóa”. Do đó, cần quy định cách làm mới, nhưng phải cố gắng triệt tiêu bệnh thành tích, chứ nếu không sẽ lặp lại câu chuyện cũ”.

Vấn đề này đã được nhìn nhận, khi soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), các cơ quan chuyên môn đã bổ sung danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, thị trấn tiêu biểu”; đồng thời, đổi tên, điều chỉnh một số tiêu chuẩn danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Gia đình văn hóa” thành danh hiệu “Thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố tiêu biểu”, “Gia đình tiêu biểu” (Điều 27 và Điều 28).

Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, trong phiên họp ngày 23-10, dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) được trình bày để lấy ý kiến của Quốc hội. Liên quan đến các danh hiệu này, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ: cơ sở của việc đổi tên này là gì? Trong khi các quy định về “gia đình văn hóa”, “thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố văn hóa” đã thực hiện ổn định; báo cáo tổng kết 17 năm thi hành luật không đề cập bất kỳ nội dung nào đến danh hiệu này.

Đồng thời, cần làm rõ nội hàm, phạm vi, tính chất của “tiêu biểu”, có phân biệt cấp độ “tiêu biểu” theo các phạm vi, địa bàn để có các tiêu chuẩn khác nhau đối với từng cấp độ (ví dụ: gia đình tiêu biểu của thôn, xã, huyện… thôn tiêu biểu của xã, huyện, tỉnh…).

Mối quan hệ giữa danh hiệu thi đua “gia đình tiêu biểu” và “gia đình gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, có đóng góp lớn về công sức, đất đai và tài sản cho địa phương, xã hội” như thế nào, khi “gia đình gương mẫu…” là đối tượng được bổ sung hình thức khen thưởng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” (khoản 6, Điều 72), “Bằng khen của cấp bộ, ban, ngành, tỉnh” (Khoản 5, Điều 73).

Đại biểu Quốc hội Phan Huỳnh Sơn (Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh) đề xuất: “Việc chuyển “Gia đình văn hóa” thành “Gia đình tiêu biểu” là phù hợp. Tuy nhiên, không nên xem là danh hiệu thi đua, mà là hình thức khen thưởng. Địa phương sẽ tặng giấy khen “Gia đình tiêu biểu” ở một lĩnh vực, phong trào thi đua cụ thể, đối tượng khen thưởng là tập thể gia đình”.

Có lẽ, danh hiệu “Gia đình văn hóa” sẽ khép lại “sứ mệnh” của mình trong một thời gian ngắn nữa, để nhường chỗ cho sự đánh giá mới, thiết thực và hiệu quả hơn. Nhưng không có nghĩa rằng, sẽ không còn “gia đình văn hóa” nữa. Ngược lại, mỗi gia đình vẫn có trách nhiệm xây dựng văn hóa đạo đức, văn hóa ứng xử, chắt chiu và lưu giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam qua nhiều thế hệ. Vượt ra khỏi chiếc bảng nhỏ “Gia đình văn hóa” trước cửa nhà, là sự công nhận của xóm giềng, cộng đồng dân cư, của xã hội, đó mới chính là thước đo chính xác nhất mức độ văn hóa của mỗi gia đình.

GIA KHÁNH