Đánh thức nông nghiệp lớn ở huyện miền núi Tri Tôn

20/10/2023 - 06:36

Quỹ đất nông nghiệp lớn là điều kiện thuận lợi để huyện miền núi Tri Tôn (tỉnh An Giang) phát triển các mô hình kinh tế tập thể, khuyến khích đầu tư trang trại, gia trại, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp (DN) triển khai các dự án nông nghiệp lớn. Nông nghiệp lớn kéo theo công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, tạo ra sản phẩm có thương hiệu và giá trị.

Hấp dẫn nhà đầu tư

Thời gian qua, huyện Tri Tôn thu hút được nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư, như: Tập đoàn Tân Long (nhà máy gạo Hạnh Phúc), Tập đoàn TH (dự án nuôi bò sữa và nhà máy sữa TH True Milk), Tập đoàn THACO (chuỗi trang trại heo công nghệ cao của Thagrico)…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn cho biết, huyện đang hỗ trợ Công ty TNHH Nông nghiệp Vạn Phúc Hưng đầu tư phát triển 57ha bắp ủ chua làm thức ăn chăn nuôi tại xã Vĩnh Phước. Những lĩnh vực thế mạnh khác của huyện đang tiếp tục được các DN quan tâm, tìm hiểu đầu tư.

Vụ đông xuân 2022 - 2023 vừa qua, tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất tiêu thụ với các cơ sở, DN, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Tri Tôn đạt 6.309ha, tăng 39,8% so cùng kỳ (tăng 1.796ha). Đối với lúa thương phẩm, hầu hết các DN chốt giá theo thị trường từ 7 - 10 ngày trước khi thu hoạch, riêng lúa giống ký kết theo giá cố định từng loại giống.

Những nông dân sản xuất tốt, đạt hoặc vượt chỉ tiêu DN đặt hàng, còn được thưởng thêm từ 10 - 100 đồng/kg lúa tươi. Phòng NN&PTNT, Hội Nông dân huyện phối hợp Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời triển khai Ngày hội liên kết trong vụ hè thu 2023 tại 5 xã: Tà Đảnh, Vĩnh Phước, An Tức, Châu Lăng, Lê Trì, nhằm kết nối 200 nông dân tham gia liên kết.

Đối với rau màu và cây ăn trái, Công ty TNHH HAEJU FARM liên kết tiêu thụ 3ha ớt Hàn Quốc ở xã Tân Tuyến; Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang liên kết 10ha rau tần dày lá; Công ty TNHH MTV The Fruit Republic Cần Thơ liên kết tiêu thụ 12ha chanh không hạt...

Phát triển kinh tế tập thể

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tri Tôn Nguyễn Văn Văn, nhằm xây dựng các chuỗi liên kết theo hướng bền vững, huyện thúc đẩy và hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp kiểu mới. 9 tháng của năm 2023, có 3 HTX thành lập mới là HTX Nông nghiệp Tiến Tiến Phát (xã Tân Tuyến), HTX Nông nghiệp An Phước Lộc (xã Lương An Trà) và HTX Nông nghiệp - Dịch vụ du lịch Bảy Núi (xã Lương Phi).

Đến nay, toàn huyện có 23 HTX đang hoạt động, với 541 thành viên, gồm: 1 HTX chăn nuôi, 2 HTX cây ăn trái, 1 HTX đan đát, 1 HTX trồng dưa lưới công nghệ cao, 1 HTX dịch vụ, còn lại 17 HTX trồng lúa. Trong đó, có 6 HTX gắn với Lộc Trời, Quốc Tế Gia xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực ở địa phương. Riêng HTX nông nghiệp Lương An Trà được Nhà nước hỗ trợ thiết bị bay “3 trong 1” để ứng dụng công nghệ cao và tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp.

Tính bình quân, tổng doanh thu 1 HTX nông nghiệp đạt 2,8 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân 140 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 585 lao động (20% lao động thường xuyên, 80% lao động theo mùa vụ), thu nhập bình quân từ 60 - 65 triệu đồng/người/năm. Trong số 121 cán bộ quản lý HTX, 30 người có trình độ sơ cấp, trung cấp (chiếm 24,79%), 36 người có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 29,75%), còn lại từ THCS đến THPT.

Đến nay, huyện Thoại Sơn và Tri Tôn đã thành lập được mô hình liên hiệp HTX. Đối với Liên hiệp HTX Tri Tôn, được thành lập ngày 15/5/2022, có 12 HTX thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ 600 triệu đồng, hoạt động trong 10 lĩnh vực với diện tích liên kết khoảng 15.772ha. “Liên hiệp HTX Tri Tôn với vai trò làm cầu nối gắn kết giữa các HTX thành viên với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, góp phần phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, tạo sự gắn kết giữa các HTX và DN trong chuỗi liên kết nhằm tạo điều kiện lớn mạnh về nguồn vốn, nhân sự, đảm bảo có thể cạnh tranh với các thành phần kinh tế khác” - ông Nguyễn Văn Văn đánh giá.

Cùng với phát triển HTX, huyện Tri Tôn hiện có 48 tổ hợp tác (THT) sản xuất nông nghiệp, với 599 thành viên, tổng số vốn hoạt động, giá trị tài sản của THT ước đạt 100 tỷ đồng. Các THT thu hút khoảng 1.000 lao động, đạt doanh thu bình quân 380 triệu đồng/năm, thu nhập người lao động 45 triệu đồng/năm.

Đến nay, có 14 THT tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với DN, như: Công ty TNHH MTV Agimex - Kitoku diện tích 82ha, Công ty TNHH Trịnh Văn Phú 217ha, liên kết sản xuất lúa giống và lúa chất lượng cao 2.500ha (Thuận Phát Nông, Kiều Tạo, Ngọc Chín Sơn, giống cây trồng Miền Nam, Hơn Số 10, Tân Thành, Cửu Long, giống cây trồng Chợ Mới)… Các THT còn ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

Đến nay, toàn huyện Tri Tôn có 23 trang trại nông nghiệp (2 trang trại tổng hợp, 14 trang trại trồng trọt, 7 trang trại chăn nuôi). Huyện đang tổ chức rà soát, vận động các trang trại thực hiện thủ tục cấp đổi, đăng ký hoạt động theo Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/2/2020 của Bộ NN&PTNT nhằm tăng hiệu quả hoạt động và hưởng các chính sách ưu đãi.

HOÀNG XUÂN