Đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa

14/04/2020 - 06:30

 - Hiện nay, một số quốc gia trên thế giới đang có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo hướng bảo hộ mậu dịch, tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ các quốc gia khác, bảo hộ sản xuất trong nước. Do vậy, hàng hóa từ các nước bị áp mức thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, lợi dụng xuất xứ, hàng hóa của Việt Nam để được hưởng ưu đãi.

Đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh thị sát tình hình chống buôn lậu trên tuyến biên giới

Từ yêu cầu đặt ra

Những năm qua, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất, nhập khẩu của nước ta có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành động lực quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất và mức sống của người dân. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết và đang đàm phán 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các quốc gia trên thế giới.

Như vậy, khi thực hiện các Hiệp định FTA này, phần lớn hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam được hưởng miễn thuế nhập khẩu khi xuất sang các đối tác FTA. Trong khi đó, nhiều nước, đối tác trên thế giới tăng cường sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ… với mức rất cao, gây nhiều hệ lụy và làm giảm khả năng xuất khẩu của nước bị áp thuế.

Từ đây, một số đối tượng doanh nghiệp bên ngoài tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để được hưởng ưu đãi, lợi thế thương mại hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại một cách bất hợp pháp.

Vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về ngăn chặn gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa từ các quốc gia khác vào Việt Nam để sau đó xuất vào nước thứ 3 nhằm hưởng ưu đãi là vấn đề cần được quan tâm thấu đáo. Hiện nay, cùng với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước, An Giang đã xây dựng kế hoạch đấu tranh, phòng chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam.

“Mục đích, yêu cầu của kế hoạch là tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp trong hoạt động xuất, nhập khẩu; chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, sản xuất - kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng trong nước, lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất sang nước thứ 3” - ông Huỳnh Ngọc Hồ (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) thông tin.

Đến phân công nhiệm vụ

Một trong những yêu cầu đặt ra trong thực hiện kế hoạch là các sở, ngành cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công, tránh chồng chéo, nói “không” với tiêu cực, không bao che, tiếp tay, làm ngơ trước những hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Quá trình thực hiện kế hoạch, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các đơn vị không gây tác động xấu đến thị trường, không làm ảnh hưởng, cản trở hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường của các tổ chức, cá nhân, góp phần bảo vệ và thúc đẩy nền sản xuất trong nước phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các nhà sản xuất Việt Nam. Thông qua công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chủ động phát hiện những bất cập, kẽ hở về cơ chế chính sách, từ đó kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Theo đó, Cục Hải quan tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sông, cảng sông và các địa bàn thuộc phạm vi kiểm soát của ngành; chú trọng theo dõi, kiểm tra, xác định xuất xứ, đẩy mạnh quản lý đối với một số nhóm mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu có kim ngạch tăng đột biến, các mặt hàng trong diện áp dụng thuế suất, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại…

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm soát chặt tuyến biên giới; quản lý tốt việc xuất, nhập cảnh, cần thiết lập các điểm chốt nhằm ngăn chặn tình trạng mang vác, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam qua biên giới, đảm bảo an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu…

Công an tỉnh chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các địa phương tăng cường công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình, kịp thời giám sát phát hiện các hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa, nhanh chóng điều tra xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, chú trọng giám sát hoạt động đầu tư trực tiếp và gián tiếp của nước ngoài trên từng lĩnh vực, địa bàn có liên quan...

Cục Quản lý thị trường chủ động phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nội địa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, sản xuất - kinh doanh, vận chuyển hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam…

“Hành vi giả mạo xuất xứ, ghi nhãn và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa sẽ dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất trong nước, đồng thời làm mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường. Từ thực tế này, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đưa ra kế hoạch nhằm đấu tranh, ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi trên” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang Lê Văn Nưng thông tin.

Hy vọng với kế hoạch cụ thể đã được đề ra, An Giang sẽ làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn và chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa trong thời gian tới.

MINH HIỂN