ĐBSCL hướng đến sản xuất xanh 1 triệu ha lúa

05/02/2024 - 12:23

 - Sáng 5/2, tại tỉnh Kiên Giang, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cùng chủ trì Hội nghị triển khai Đề án “phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.

Quang cảnh hội nghị

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy và Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang Nguyễn Sĩ Lâm dẫn đầu đoàn công tác tỉnh An Giang tham dự hội nghị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đề án nhằm hướng tới tư duy kinh tế nông nghiệp. Từ tăng trưởng đa giá trị, gắn với nông nghiệp tuần hoàn; chuyên nghiệp hóa ngành hàng lúa gạo, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có thu nhập cao từ nghề trồng lúa. Đề án nhận được sự kỳ vọng của hàng triệu nông dân.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL năm 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong định hướng chuyển đổi phương thức canh tác lúa bền vững ở ĐBSCL, đồng thời hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, canh tác bền vững và hiệu quả.

Việc xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL mang tính đột phá trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đóng góp tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện các cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc lần thứ 26 (COP26), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào 2050.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt mục tiêu trước mắt đến năm 2025, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở ĐBSCL đạt 180.000ha.

Vùng sản xuất này thực hiện giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100kg/ha, giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững, như: “1 phải, 5 giảm”, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Về tổ chức lại sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích. Trên 200.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Đối với việc bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, trong khi 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Về thu nhập người trồng lúa, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Đến năm 2025, lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đề án tập trung vào các hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Hiện nay, ĐBSCL đã có nền tảng từ 400 hợp tác xã trong Dự án VnSAT (chuyển đổi nông nghiệp bền vững) trước đây nên tiếp tục triển khai mở rộng; từng lĩnh vực cơ giới hóa như gieo sạ, thu hoạch đã đạt 100%.

Mục tiêu đến năm 2030, diện tích canh tác vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đạt 1 triệu ha. Trong vùng chuyên canh, giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống dưới 70kg/ha, tiếp tục giảm phân, thuốc hóa học, nước tưới và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức của nông dân; tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 1 triệu hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; 100% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Tham gia đề án, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, trong đó tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

NGÔ CHUẨN