Mô hình trồng sen giúp nông dân ở nhiều địa phương có thu nhập ổn định
Thu nhập ổn định
Những năm qua, việc xen canh lúa - sen được nông dân ở các địa phương áp dụng rất hiệu quả, có tác dụng cải tạo đất, nhất là ở vùng trũng dễ bị ngập nước khi vào mùa nước nổi nên cây sen phát huy lợi thế của mình, giúp nông dân có thêm thu nhập. Ông Lê Văn Bình (xã Ô Long Vĩ, Châu Phú) là người có nhiều năm gắn bó với cây sen và thu lợi từ cây sen rất nhiều, giúp kinh tế gia đình ổn định. Không chỉ canh tác trên phần đất nhà, ông Bình còn chủ động thuê thêm diện tích đất để mở rộng mô hình trồng sen của mình.
Theo ông Bình, sen là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, ngoài ra cây trồng này còn phù hợp với hầu hết các loại đất “khó chịu” nhất. Trong sản xuất, ông Bình rất linh hoạt khi chuyển đổi từ canh tác lúa 3 vụ sang luân canh 1 lúa - 1 sen. Nếu năm nào sen có giá, ông Bình sẽ tranh thủ trồng thêm 1 vụ sen, để thu hoạch ngó và gương, nhờ vậy kinh tế gia đình ổn định.
Hiện nay, hầu như các bộ phận của cây sen đều được thương lái thu mua. Từ ngó, củ, bông, gương, lá, đến thân sen cũng được thu mua để làm ống hút và lấy tơ sen. Nhờ vậy, nông dân trồng sen sẽ có nguồn thu nhập ổn định hơn. “Khi gương sen có giá thì để sen có gương bán, khi ngó có giá thì chủ động thu hoạch ngó nhiều hơn” - ông Bình thông tin.
Trước đó, ông Bình tìm được một đầu mối thu mua lá sen ở chợ Châu Đốc, dùng để gói bún, gói rau vì thực hiện chủ trương hạn chế sử dụng bọc ny-lon trong mua sắm hàng hóa ở các chợ. Mỗi thiên lá sen được bán với giá 120.000 đồng, nếu dành khoảng 5-6 tiếng đồng hồ vào buổi sáng sớm và xế chiều, mỗi người có thể hái được 2 thiên, kiếm thêm thu nhập bên cạnh việc thu ngó, gương sen. “Việc thu hoạch hàng ngày sẽ giúp bà con có được “đồng ra, đồng vô”... Đó là chưa kể đến mô hình trồng sen còn giúp tạo thêm công ăn việc làm thường xuyên, ổn định cho lực lượng lao động ở địa phương từ việc thu hoạch ngó, gương sen mỗi ngày” - ông Bình hồ hởi.
Nhưng vẫn gặp khó
Bà con trồng sen ở cánh đồng giáp ranh giữa 2 huyện Châu Phú và Tịnh Biên hiện đang gặp khó vì hiện tượng sen bị bệnh khô lá, gây thiệt hại cho người trồng đến hơn 80%. Lúc mới trồng, cây sen phát triển bình thường, sen vươn cao, lá xanh mướt. Đến khoảng 2 tháng khi sen bắt đầu cho thu hoạch ngó và gương là phát hiện bệnh, nhanh chóng lan ra hết ruộng sen. “Ban đầu chỉ thấy lá sen bị khô, sau đó xuống tới thân rồi gương sen mọc lên bao nhiêu cũng khô, héo và hư theo luôn, tính ra chưa kịp lấy lại vốn coi như bị mất trắng” - ông Bình chia sẻ.
Tình trạng này không chỉ bị trên cánh đồng của ông Bình mà hầu như những cánh đồng sen lân cận cũng xảy ra tình trạng tương tự. “Dù tháo nước, rải vôi hàng tuần cũng không giải quyết được vấn đề. Sen bị bệnh ngay thời điểm gương sen có giá cao, dao động từ 70.000-80.000 đồng/kg, vậy mà không có sen để bán, tiếc lắm. Mà đất nhà còn đỡ, nếu đất mướn coi như lỗ vụ này” - ông Bình giải thích.
Một trong những nguyên nhân gây bệnh được ông Bình cũng như nhiều nông dân ở đây chia sẻ là có thể do thoái hóa giống. Để tiết kiệm tiền cây giống, bà con tận dụng cây giống từ ruộng sen của mình để canh tác cho vụ tiếp theo. Có thể vì canh tác qua nhiều vụ như thế nên bị thoái hóa giống, sen dễ mắc bệnh mà không điều trị được dù đã dùng nhiều biện pháp xử lý.
Do vậy, sau khi phá bỏ ruộng sen bị hư hại, kèm thêm việc phơi ruộng, rải vôi diệt mầm mống của dịch bệnh, ông Bình cùng nhiều nông dân ở địa phương đang tìm hiểu về giống sen Thái được trồng nhiều ở TP. Cần Thơ. Hiện, giống sen Thái được bán với giá từ 5.000-6.000 đồng/cây giống. Tuy vốn đầu tư ban đầu nhiều, nhưng đây là giống sen sạch bệnh, nên vụ đầu tiên sen sẽ cho năng suất cao, hiệu quả mang lại tốt hơn.
Mô hình trồng sen xen canh hay trồng thâm canh đã và đang mang lại hiệu quả cho nông dân. Tuy nhiên, nếu được quan tâm nhiều hơn về việc ổn định liên kết theo chuỗi giá trị cũng như có những nghiên cứu sâu hơn về quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh thì sen sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, tạo được đầu ra ổn định, giúp nông dân phát triển kinh tế.
ÁNH NGUYÊN