Để điệu Ví, Giặm ngân dài trong đời sống đương đại

10/12/2024 - 08:11

10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh, cũng là 10 năm người dân nơi đây nỗ lực để di sản này được được ngân dài trong đời sống đương đại.

Ngày 27/11/2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là dấu mốc quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, nâng cao tầm nhìn cho cộng đồng trong nước và quốc tế đối với một di sản giàu bản sắc của một vùng văn hóa.

10 năm qua, chính quyền và người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung tay, góp phần cho di sản của quê hương ngày càng lan tỏa trong nước và quốc tế.

Trong chuyến công tác do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức cho phóng viên đi thực tế địa phương, PV VietNamNet có dịp gặp gỡ nhiều nghệ nhân trong Câu lạc bộ (CLB) Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh làng Phan (Nghệ An).

Ví Giặm.jpeg

Không gian diễn xướng để điệu ví câu hò ngân mãi trong đời sống đương đại đang dần thu hẹp. Ảnh: Sông Lam

Để Ví, Giặm sống mãi trong lòng người dân xứ Nghệ

Nghệ nhân Cao Thị Tứ yêu những làn điệu dân ca Ví, Giặm nên thường xuyên tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, biểu diễn, giao lưu với những người cùng chung đam mê.

"Tôi và thành viên trong CLB nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ sau để Ví, Giặm sống mãi trong lòng người dân xứ Nghệ. Tôi rất vui nhưng phải hy sinh chút thời gian dành cho con cháu và làm nông", nghệ nhân Cao Thị Tứ chia sẻ.

Nghệ nhân Ngô Thị Huyền thấm các câu hò, điệu ví từ khi lọt lòng mẹ. Ký ức tuổi thơ của bà là những buổi người dân trong làng lúc nông nhàn thường tập trung hát Ví, Giặm. Khi dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh, nhiều người tham gia vào CLB, từ các cụ cao tuổi đến thiếu nhi.

Trừ lúc bận việc đồng áng, khi rảnh, nghệ nhân Ngô Thị Huyền hăng hái tham gia các buổi biểu diễn, giao lưu. Bà động viên con cháu cùng hưởng ứng, để thêm hiểu và yêu di sản, từ đó có ‎ý thức gìn giữ vốn quý cha ông.

Ông Nguyễn Trọng Tâm, Phó chủ nhiệm CLB Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, xã Hưng Tân, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho biết, CLB chủ yếu hoạt động vì đam mê và trách nhiệm với di sản.

"Sau khi được UNESCO vinh danh, dân ca Ví, Giặm được quan tâm hơn, người dân nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn, bảo vệ di sản. Mỗi năm CLB được chính quyền hỗ trợ 5 triệu đồng để duy trì hoạt động. Vì thế, chúng tôi vận động xã hội hoá, nỗ lực truyền dạy cho các thế hệ kế cận", ông Tâm bày tỏ.

Theo ông Tâm, Ví, Giặm được sinh ra trong môi trường lao động, bà con hát câu hò điệu ví để quên đi mệt mỏi thường nhật. Nhưng gần đây, không gian diễn xướng không còn nhiều, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An tái tạo lại tại phố đi bộ ở TP Vinh, kích thích đam mê sáng tạo, đưa Ví, Giặm vào môi trường diễn xướng mới cho loại hình nghệ thuật này sống mãi trong cộng đồng.

Để mạch nguồn chảy mãi

Bà Phan Thị Anh, Trưởng phòng Quản lý‎ di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao Nghệ An) cho biết, năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Đề án bảo vệ phát huy giá trị di sản năm 2021-2025. Hiện nay tỉnh đang soạn thảo Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026 - 2030, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét trình Chính phủ phê duyệt.

Bà Phan Thị Anh cho rằng, dân ca Ví, Giặm là loại hình văn hóa dân gian, các nghệ nhân nắm giữ di sản ngày càng lớn tuổi, nếu không nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ những làn điệu, lời hát cổ sẽ có nguy cơ mai một. 

Để Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thực sự lan tỏa và trường tồn, Thứ trưởng Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch đề nghị tỉnh Nghệ An chủ động, tích cực, phối hợp tốt hơn nữa với tỉnh Hà Tĩnh và các ban, bộ, ngành Trung ương, cộng đồng và nhân dân cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể này.

Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Theo Vietnamnet