Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường

06/05/2022 - 05:17

 - Toàn tỉnh có hơn 7.000 doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Nhiều DN hoạt động hiệu quả, đóng góp rất lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Để loại hình DN này phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần nhiều hỗ trợ đúng mức.

Sự phát triển của các DN sẽ góp phần giải quyết bài toán việc làm cho các lao động, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và của tỉnh. DN sử dụng được nguồn lực lao động tại địa phương góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, chính bởi quy mô nhỏ, nên họ còn hạn chế, về năng lực kết nối thị trường (cho việc quảng bá, phát triển sản phẩm của DN); khả năng tiếp cận nguồn vốn; kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh ngay trên thị trường nội địa. Nhiều sản phẩm chưa xây dựng nhãn hiệu và thương hiệu đáp ứng yêu cầu. DN chưa có khả năng phân tích thông tin của thị trường và thiếu sự liên kết để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất - kinh doanh.

Tháo gỡ phần nào thực trạng này, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, giao thương trong, ngoài tỉnh. Nhất là việc tổ chức thành công Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố... qua đó đã tạo cơ hội cho DN có điều kiện quảng bá sản phẩm, kích cầu tiêu dùng; hỗ trợ DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất ứng dụng thương mại điện tử vào quản lý, kinh doanh, quảng bá sản phẩm.

Song hành cùng với đó, Sở Công Thương An Giang đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, bán hàng trên sàn thương mại điện tử cho DN; hỗ trợ DN tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ 4.0, tham gia hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp; hỗ trợ đổi mới máy móc thiết bị, mô hình quản lý, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN...

Nhiều hình thức hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.

Sở Khoa học và Công nghệ An Giang hỗ trợ DN phát triển tài sản trí tuệ; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thủ tục đăng ký về nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích. Phối hợp Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh liên kết, xúc tiến quảng bá sản phẩm (của các đơn vị được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận An Giang) và phát triển nhãn hiệu chứng nhận An Giang thành dấu hiệu để người tiêu dùng trên thị trường nhận biết nguồn gốc là sản phẩm chủ lực của tỉnh (đối với các sản phẩm nông nghiệp).

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh An Giang cũng tích cực phối hợp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ DN về tiếp cận thị trường, liên kết sản xuất - kinh doanh, thông tin thị trường; tuyền truyền, quảng bá xúc tiến hoạt động thương mại trong cộng đồng hội viên và với DN ngoài tỉnh...

Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại & Dịch vụ Thái Minh Nguyên Vũ Minh Tú (huyện Chợ Mới) chia sẻ: “Thật sự, DN rất khó tiếp cận thị trường nếu không có sự hỗ trợ tích cực của nhà nước. Sản phẩm cần có chỗ đứng trên thị trường, nhưng hầu hết đều khó khăn khi chứng minh với khách hàng độ tin cậy của sản phẩm. Nhà nước hỗ trợ DN quảng bá hình ảnh, công dụng sản phẩm tại các kỳ hội chợ, ngày hội, lễ hội trong, ngoài tỉnh… đã cho cho thấy hiệu quả rõ rệt. Như sản phẩm trà Kim Ngân Hoa của công ty chúng tôi, từ “sản phẩm ở làng”, đến nay đã được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng, công ty phát triển được thị trường, mở rộng đại lý”.

Cùng ý kiến này, chị Nguyễn Thị Kim Loan (chủ hộ kinh doanh Kim Loan, huyện Chợ Mới, sản xuất khô cá lóc) bày tỏ: “Có đặc sản địa phương phát triển lên thành sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), nhưng nếu không nhận được sự hỗ trợ của nhà nước, DN khó tiếp cận thị trường. Qua các kỳ hội chợ, hộ kinh doanh chúng tôi có cơ hội cung cấp hình ảnh tham gia hội chợ của DN lên các trang mạng xã hội, làm tốt công tác truyền thông, quảng bá... Từ đó, tăng uy tín, độ tin cậy của khách hàng, sản phẩm dễ dàng tiếp cận thị trường hơn”.

Thời gian tới, theo kế hoạch, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ DN tham gia hội chợ ở các vùng kinh tế trọng điểm trong nước; kết nối DN với DN bằng hình thức trực tiếp (hoặc trực tuyến) để giao thương trong và ngoài nước, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt là các mặt hàng nông - thủy sản, hàng hóa đặc sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề…

Phối hợp với các tỉnh, thành phố (đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu, đưa hàng hóa của DN An Giang thâm nhập siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối các nơi. Nghiên cứu tổ chức hội chợ chuyên ngành sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, ẩm thực... mở ra kỳ vọng mới, đáp ứng nhu cầu quảng bá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho DN địa phương.

UBND tỉnh An Giang còn triển khai chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cơ sở áp dụng giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất chất lượng... Kỳ vọng từ đây, giúp các DN nâng tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

HẠNH CHÂU